'Vũ khí' nghìn tỷ USD của Trung Quốc trong cuộc chiến với Mỹ

Trung Quốc hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, nắm số trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá hơn 1.100 tỷ USD.
Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc một tuần gần đây liên tiếp leo thang. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 10% lên khoảng 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bắc Kinh sau đó liên tục hạ giá nhân dân tệ (NDT), khiến Mỹ thông báo coi nước này là quốc gia thao túng tiền tệ. Thị trường tài chính toàn cầu vì thế rối loạn nhiều ngày qua.

Trung Quốc từng nói sẵn sàng tham gia cuộc chiến trong dài hạn. Theo giới quan sát, họ vẫn còn nắm trong tay một vũ khí cực mạnh khác, đó là số trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá hơn 1.100 tỷ USD. Trung Quốc hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ.

Trên lý thuyết, Bắc Kinh có thể tạo ra cơn hoảng loạn trên thị trường trái phiếu nếu bán đi một phần số này. Khi đó, giá trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ lao dốc và lợi suất tăng vọt.

Vì lợi suất trái phiếu chính phủ được dùng làm tiêu chuẩn thiết lập các loại lãi suất khác, chi phí đi vay của doanh nghiệp, lãi suất mua nhà trả góp, mua ôtô cũng sẽ tăng theo, kéo tụt tăng trưởng kinh tế Mỹ. Đồng USD cũng sẽ chịu áp lực lớn.

Dù vậy, có nhiều lý do khiến Trung Quốc vẫn chưa sử dụng công cụ này. Đầu tiên, nó có thể không cho ra kết quả như ý. Và thứ hai, cách này có thể phản tác dụng với chính kinh tế Trung Quốc. "Đây không thể được coi là công cụ có hiệu quả nhất", Brad Setser, cựu chuyên gia kinh tế tại Bộ Tài chính Mỹ, cho biết trên CNN.

"Trên thực tế, động thái này sẽ đi kèm rủi ro lớn, và không phù hợp với chiến lược hiện tại của Bắc Kinh", Michael Hirson, Giám đốc phụ trách Trung Quốc tại hãng tư vấn Eurasia Group, nhận định. "Rõ ràng mọi việc đang theo vòng xoáy leo thang. Nhưng tôi cho rằng động cơ căn bản của Trung Quốc hiện tại, trong chiến tranh thương mại, là chống đỡ được sức ép từ Trump", ông giải thích.

Bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ khiến giá trị số trái phiếu còn lại của Trung Quốc lao dốc theo. Hiện tại, họ đang cần tài sản này để hỗ trợ nội tệ. Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ hạ giá nhân dân tệ có kiểm soát trong vài tháng tới, nhằm xoa dịu phần nào sức ép lên nền kinh tế, mà không gây ra tình trạng rút vốn ào ạt khỏi Trung Quốc.

Một lý do khác là bán trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ khiến Trung Quốc khó thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu trong nước.

"Họ cần dòng vốn từ nước ngoài để củng cố nội tệ trong chiến tranh thương mại. Vũ khí hóa trái phiếu chính phủ Mỹ chẳng khác nào gửi tín hiệu báo động đến nhà đầu tư toàn cầu", Hirson giải thích.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng bán trái phiếu chính phủ Mỹ chưa chắc khiến Mỹ tổn hại. "Khi việc này bắt đầu có tác động tiêu cực lớn đến Mỹ, Fed có thể sẽ hành động", ông Setser nói.

Trong một báo cáo năm 2012 trình lên Quốc hội Mỹ, Bộ Quốc phòng nước này chỉ ra Fed "hoàn toàn có khả năng" mua lại số trái phiếu mà Trung Quốc bán ra, để kìm hãm hậu quả kinh tế.

Cuối cùng, Trung Quốc hiện không có nhiều kênh để đầu tư 3.100 tỷ USD dự trữ ngoại hối.

Trái phiếu chính phủ Đức và Nhật Bản cũng là một lựa chọn, nhưng lợi suất cao nhất chỉ là 0%. Lợi suất 1,63% với trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rõ ràng tốt hơn nhiều so với âm 0,59% của Đức.

Trên lý thuyết, Trung Quốc vẫn có thể dùng khối tài sản này để đe dọa Mỹ. Nhưng thực sự nó chẳng có mấy sức hấp dẫn.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục