Vikram Pandit, CEO Citigroup ra đi vì thua... Chủ tịch

(ĐTCK) Ngày 16/10/2012, Tập đoàn tài chính - ngân hàng Citigroup Inc. (Mỹ) đã chính thức thông báo ông Vikram Pandit, 55 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn và ông John P. Havens, 56 tuổi, một nhà quản lý cấp cao được coi là cánh tay phải của CEO cùng từ chức. Lý do chính thức dẫn đến việc từ chức này không được đưa ra, song lãnh đạo Citigroup khẳng định, hai ông đều có đơn xin từ chức và đã được chấp thuận.
Vikram Pandit Vikram Pandit

Ông Michael O’Neill, Chủ tịch của Citigroup cho biết, sự ra đi của ông Vikram Pandit không liên quan tới bất kỳ chiến lược, điều chỉnh nhân sự hay vấn đề vận hành nào tại Tập đoàn. Ông Michael O’Neill xác nhận ngắn gọn: “Vikram Pandit đệ đơn xin từ chức và Ban lãnh đạo chấp nhận điều đó”. Đồng thời, Citigroup cũng loan báo bổ nhiệm ông Michael Corbat, 52 tuổi, CEO khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi thay thế ông Vikram Pandit.

Ông Vikram Pandit đã phát biểu với báo giới rằng: “Citigroup đã có vị thế tốt để tiếp tục tăng trưởng và sinh lợi. Sau quá trình hoạt động cùng với Tập đoàn trong những năm qua, giờ tôi cho rằng đã đến lúc ai đó lên lãnh đạo thay mình”.

Ông Vikram Pandit từ chức chỉ một ngày sau khi Citigroup công bố kết quả kinh doanh quý III/2012. Theo đó, lợi nhuận của Citigroup chỉ đạt 468 triệu USD, giảm 88% so với quý III/2011. Song đây chắc chắn không phải lý do chính, bởi giá cổ phiếu của Citigroup tại Sở GDCK New York (Mỹ) hiện dao động ở mức trên dưới 35 USD/cổ phiếu, tăng tới 39% kể từ đầu năm đến nay.

Nhiều nhà phân tích nhận xét, lên nắm quyền CEO vào tháng 12/2007, ông Vikram Pandit đã dẫn dắt Tập đoàn đi qua giai đoạn khủng hoảng. Dù cũng phải nhờ đến sự cứu giúp của Chính phủ Mỹ mới thoát nạn, song nay, Tập đoàn đã trả xong nợ nần và hoạt động trơn tru.

Trong vòng 5 năm qua, ông Vikram Pandit đã mạnh tay cắt giảm đội ngũ nhân viên trên toàn cầu từ 375.000 người vào tháng 12/2007 xuống còn 262.000 hiện nay. Xét về tổng tài sản, Citigroup hiện đứng thứ 3 trong các ngân hàng Mỹ (với 1.900 tỷ USD), sau JPMorgan Chase (với 2.300 tỷ USD) và Bank of America (với 2.100 tỷ USD).

Ông Steven Hall, CEO của Hãng Steven Hall & Partners, chuyên tư vấn về việc đền bù hợp đồng cho rằng, có nhiều cái khác thường trong sự ra đi đường đột của ông Vikram Pandit. Theo ông Steven Hall, có vài khả năng xảy ra. Thứ nhất, nếu ông Vikram Pandit đơn phương tuyên bố từ chức thì có thể sẽ chẳng nhận được 1 đồng tiền đền bù nào. Lương cơ bản năm 2011 của ông là 1,67 triệu USD, sau khi chỉ nhận mức tượng trưng 1 USD cho gần 2 năm 2009 - 2010. Tháng 5 vừa qua, đề nghị tăng lương cho ông lên mức 15 triệu USD/năm bị bác bỏ.

Còn nếu ông bị buộc từ chức thì mức độ đền bù bao nhiêu phụ thuộc vào sự thoả thuận giữa hai bên.

Nếu còn ở lại Citigroup ít nhất đến ngày 17/5/2013, thì ông Vikram Pandit có quyền được đền bù tới 261 triệu USD. Bởi theo điều khoản trong hợp đồng giữa ông và Citigroup, trong 2 năm 2011 - 2012, nếu lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn vượt trên mức 12 tỷ USD, thì ông có quyền được nhận khoản tiền thưởng có tên là “chia sẻ lợi nhuận”, có trị giá bằng 0,055% lợi nhuận trước thuế.

Mà trong năm 2011 và 9 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận trước thuế của Citigroup đạt tổng cộng 34,4 tỷ USD.

Không phải đợi lâu, Hãng AFP đã đưa ra nhận định, động thái ra đi đột ngột của CEO cho thấy, nội bộ của Citigroup đang tồn tại những bất đồng sâu sắc. Hãng Bloomberg còn mạnh dạn hơn khi khẳng định, dựa vào một nguồn tin nội bộ, ông Vikram Pandit và Michael O’Neill đã có quan điểm trái ngược nhau về chiến lược phát triển của Tập đoàn và thường tranh cãi nhau khá gay gắt. Ông Vikram Pandit buộc phải rút lui khi không có sự hậu thuẫn của Ban giám đốc và nhiều cổ đông lớn. Hay nói đơn giản, CEO và Chủ tịch đã có mâu thuẫn liên quan đến chiến lược phát triển Tập đoàn và CEO phải ra đi... vì thua cuộc.

Ông Michael O’Neill lên làm Chủ tịch từ tháng 3/2012, thay ông Richard Parsons. Bản thân ông được coi là cáo già trong làng tài chính - ngân hàng quốc tế. Năm 1999, ông được bổ nhiệm làm CEO của Barclays, một ngân hàng lớn của Anh, nhưng chỉ ít lâu sau đó, ông xin nghỉ để điều trị bệnh tim. Tháng 3/2009, ông được Citigroup mời về làm thành viên Ban giám đốc. Trước  đó, ông cũng đã từng là CEO của Bank of Hawaii Corp (Mỹ) và được mệnh danh là “cỗ máy chém”, khi rất mạnh tay sa thải nhân viên và đóng cửa tới 50% số chi nhánh, phòng giao dịch do kinh doanh kém hiệu quả.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, sau khi đã hất được ông Vikram Pandit khỏi ghế CEO, ông Michael O’Neill có thể rộng tay làm điều tương tự với những nhân sự khác ở Citigroup.

Ông Tom Brown, người sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Second Curve Capital nhận xét: “Ông Michael O’Neill rất mạnh tay xử lý và rồi mọi người sẽ thấy điều này ở Citigroup”.

Ông Richard Parsons, nguyên Chủ tịch Citigroup nhận xét, ông Vikram Pandit đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và phải ra đi.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục