“Vi rút đỏ” cổ phiếu tài chính lây lan chứng khoán toàn cầu

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm mạnh trong phiên giao dịch thứ Năm (10/7) do ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu tài chính, xuất phát từ những lo ngại về sức khỏe của các ngân hàng Bồ Đào Nha.
Phố Wall bị ảnh hưởng bởi sức khỏe của ngân hàng Bồ Đào Nha - Ảnh: Reuters Phố Wall bị ảnh hưởng bởi sức khỏe của ngân hàng Bồ Đào Nha - Ảnh: Reuters

 Cổ phiếu và trái phiếu của Espirito Santo Financial Group, cổ đông lớn nhất trong Ngân hàng Banco Espirito Santo của Bồ Đào Nha bị ngừng giao dịch, với lý do "khó khăn vật chất" tại công ty mẹ ESI.

Thông tin này không chỉ ảnh hưởng đến chứng khoán Bồ Đào Nha và chứng khoán châu Âu, mà còn lây lan sang cả chứng khoán Mỹ. Giới đầu tư chứng khoán trên toàn cầu, trong đó có cả giới đầu tư Phố Wall đã phản ứng tiêu cực với thông tin này và tăng cường nắm giữ tiền mặt, giảm bớt cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình. Cổ phiếu tài chính niêm yết trên Phố Wall cũng đồng loạt giảm giá, kéo các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm mạnh trở lại sau 1 phiên hồi phục hôm thứ Tư.

Kết thúc phiên 10/7, chỉ số Dow Jones giảm 70,54 điểm (-0,42%), xuống 16.915,07 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,15 điểm (-0,41%), xuống 1.964,68 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 22,83 điểm (-0,52%), xuống 4.396,20 điểm.

Tuần trước, Dow Jones đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mốc 17.000 điểm, thiết lập đỉnh cao mới ở mức 17.068,26 điểm, trong khi S&P 500 cũng leo lên mốc cao mọi thời đại 1.985,44 điểm.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters, nhà đầu tư huyền thoại, tỷ phú Carl Icahn cho biết, nhà đầu tư cần thận trọng trong thời gian này sau khi các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng mạnh và liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dĩ nhiên các chỉ số chính của thị trường này bị ảnh hưởng nặng nề về thông tin sức khỏe tài chính của các ngân hàng Bồ Đào Nha. Chỉ số chứng khoán của Bồ Đào Nha giảm 4,2% và chỉ số FTSE MIB tại Italia giảm 1,9%. Cổ phiếu tài chính cũng “tàn phá” mạnh các thị trường chứng khoán chính khác của châu Âu.

Kết thúc phiên 10/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 45,67 điểm (-0,68%), xuống 6.672,37 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 149,07 điểm (-1,52%), xuống 9.659,13 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 58,58 điểm (-1,34%), xuống 4.301,26 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên lao dốc không phanh trong p hiên 9/7 do ảnh hưởng từ chứng khoán Âu, Mỹ giảm mạnh phiên 8/7, thị trường chứng khoán châu Á đã lấy lại cân bằng trong phiên 10/7. Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên giảm nhẹ, trong khi chứng khoán Hồng Kông đảo chiều tăng trở lại và chứng khoán Trung Quốc hãm bớt đà rơi.

Kết thúc phiên 10/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 68,18 điểm (-0,56%), xuống 15.216,47 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 62,92 điểm (+0,27%), lên 23.238,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 0,27 điểm (-0,01%), xuống 2.038,34 điểm.

Những rủi ro trên thị trường tài chính chứng khoán, cùng với cuộc xung đột tại Trung Đông khi Israel mở cuộc tấn công vào dải Gaza đã hỗ trợ tích cực cho giá vàng, giúp kim loại quý này có phiên tăng khá thứ 2 liên tiếp.

Kết thúc phiên 10/7, giá vàng giao ngay tăng 8,7 USD (+0,66%), lên 1.335,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng lên 1.339,8 USD/ounce.

Cuộc khủng hoảng ở Trung Đông cũng hỗ trợ cho giá dầu, giúp giá nhiên liệu này bật tăng trở lại sau chuỗi ngày lao dốc mạnh.

Kết thúc phiên 10/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,64 USD (+0,62%), lên 102,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,39 USD (-0,36%), lên 108,67 USD/thùng.

TL

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục