Ukraine vội vã ngăn dòng tiền tháo chạy

(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương Ukraine đã bất ngờ tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng 8 tháng trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ đồng tiền đang mất giá và ngăn ngừa lạm phát khi cuộc khủng hoảng chính trị nơi đây đang trở nên sâu sắc.
Ukraine vội vã ngăn dòng tiền tháo chạy

Ngân hàng Trung ương Ukraine tăng mạnh lãi suất

Ngân hàng Trung ương của Kiev đã nâng lãi suất tái chiết khấu cơ bản từ mức 6,5%/năm lên 9,5%/năm và nâng lãi suất cho vay qua đêm từ 7,5%/năm lên 14,5%/năm vào đêm 14/4.

Những bất ổn về chủ nghĩa ly khai của nước này đã tăng lên hôm thứ Hai sau khi các phần tử ly khai ủng hộ Nga chiếm giữ thêm các tòa nhà chính phủ ở các thành phố và thị trấn miền Đông Ukraine, bất chấp hạn chót yêu cầu đầu hàng từ Kiev.

“Ngân hàng Trung ương đã xem xét và thấy cần thiết phải nâng giá trị đồng tiền quốc gia, để kiềm chế lạm phát và để ổn định tình hình trên thị trường tiền tệ”, Ngân hàng Trung ương Ukraine nói trong một thông cáo.

Hành động tiền tệ táo báo trên đến sau khi các chính phủ phương Tây nỗ lực thiết lập một mặt trận chung để chống lại Nga.

Oleksandr Turchynov, Tổng thống tạm quyền của Ukraine, đã khẩn cầu ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên hợp quốc, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực này một ngày sau khi chính phủ của ông cam kết thực hiện biện pháp quân sự để trấn áp các phần tử ly khai.

Trong một cố gắng nhằm xoa dịu tâm lý bài Kiev và mang tính hòa giải hơn, hôm Chủ nhật, ông Turchynov cũng nói rằng, chính quyền “không phản đối việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý” để cho phép các cư dân miền Đông được có tiếng nói trong việc xác định vận mệnh đất nước.

Đồng hryvnia, đồng tiền của Ukraine, đã mất giá nghiêm trọng trong 6 tháng qua, chất thêm gánh nặng lên nền kinh tế vốn đã tơi tả của nước này.

Dự trữ ngoại hối của Ukraine đã giảm xuống mức chỉ đủ phục vụ 2 tháng nhập khẩu, và Bộ Tài chính nước này đã đưa ra cảnh báo trong tháng 3 rằng, nền kinh tế sẽ co lại ít nhất 3% trong năm nay.

Cuối tháng 3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đề nghị một gói cứu trợ trị giá 18 tỷ USD để giúp Kiev đối mặt với khủng hoảng kinh tế, khi áp lực từ Nga đang tăng lên - Nga đã cảnh báo sẽ tạm dừng xuất khẩu khí đốt sang Ukraine, trừ khi nước này thanh toán các hóa đơn chưa trả.

Phương Tây “vừa đấm vừa run”

Trong một động thái khác, các bộ trưởng ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Luxembourg để thảo luận về cách trừng phạt kinh tế đối với Nga, nhưng đã không thông qua được biện pháp nào. Đức, Italia và Tây Ban Nha không muốn đối đầu với Moscow trước cuộc họp vào thứ Năm tuần này tại Geneva giữa các bộ trưởng ngoại giao Ukraine, Nga, EU và Mỹ.

Anh, Ba Lan và Hà Lan nói rằng, EU cần phác thảo các kế hoạch trừng phạt có thể áp dụng đối với Nga. Theo các nước này, hành động chiếm giữ các tòa nhà chính phủ ở miền Đông Ukaine bởi các phần tử ly khai ủng hộ Nga là hậu quả của việc Nga thâu tóm Crimea.

“Tình hình rất giống với những gì đã xảy ra trước đó ở Crimea… Nếu nó trông giống một con ngựa, lại đi như ngựa thì thường đó là một con ngựa”, Frans Timmermans, Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan nói khi đặt câu hỏi về vai trò của Nga đối với tình trạng rối loạn ở Ukraine hiện tại.

Jack Lew, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cho biết, Washington đã sẵn sàng áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt Nga. “Qua làm việc với các đồng minh, chúng tôi đang hoàn toàn sẵn sàng áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, khi nước này tiếp tục làm cho tình hình thêm căng thẳng ở Ukraine”, ông Lew nói trong một bài phát biểu.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron, hôm thứ Hai, đã đồng ý xúc tiến làm việc về các biện pháp trừng phạt bổ sung dành cho Nga sau khi thảo luận về cuộc khủng hoảng này với bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức và ông François Hollande, Tổng thống Pháp.

Tuy nhiên, Anh vẫn lo ngại việc áp dụng các biện pháp trừng phạt có thể ảnh hưởng đến uy tín của London, vốn được biết đến là một trung tâm tài chính mở toàn cầu, cũng như tác động đến các công ty của nước này, đặc biệt là BP - doanh nghiệp đang có các khoản đầu tư lớn vào Nga. Các quan chức Anh đã xác nhận cảnh báo của BP về những hậu quả có thể xảy ra nếu mối quan hệ với Moscow xấu đi: công ty này đang nắm giữ 20% cổ phần của Rosneft, một công ty dầu lửa được kiểm soát bởi Kremlin.

Các cổ đông của BP trong tháng này đã liên tiếp đưa ra các câu hỏi đối với ban lãnh đạo của Công ty về các khoản đầu tư vào Nga, trong đó có câu hỏi liệu Nga có sung công cổ phần của Công ty ở Rosneft hay không?

Để trấn an, các quan chức Anh nói rằng, nếu các biện pháp trừng phạt Nga được áp dụng, EU sẽ cố gắng hạn chế tối đa ảnh hưởng của các biện pháp đó đối với các công ty phương Tây..    

Quang Huy (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục