Tung đòn trả đũa Trung Quốc, Ấn Độ có dám chấp nhận rủi ro?

Tâm lý phản đối Trung Quốc đã gia tăng ở Ấn Độ kể từ sau cuộc đụng độ đẫm máu tại khu vực biên giới Trung - Ấn trên dãy Himalaya vào tuần trước.
Người Ấn Độ biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: 
Getty Images. Người Ấn Độ biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Nhiều cư dân sinh sống ở thành phố Ahmedabad, phía tây Ấn Độ đã ném những chiếc TV do Trung Quốc sản xuất ra ngoài ban công, trong khi các thương nhân ở thủ đô New Dehli phản đối bằng cách đốt hàng hóa Trung Quốc.

Một Bộ trưởng trong nội các Ấn Độ kêu gọi tẩy chay các nhà hàng bán “đồ ăn Trung Quốc”. Các món ăn của Trung Quốc được biến tấu theo phong cách Ấn Độ từ lâu trở nên quen thuộc và phổ biến tại quốc gia Nam Á này.

Một lãnh đạo phe đối lập được nhìn thấy đang leo lên chiếc máy xúc để bôi đen biển quảng cáo của Oppo - nhà sản xuất điện thoại thông minh nổi tiếng của Trung Quốc.

Chính phủ Ấn Độ dù không công khai tuyên bố tẩy chay hàng hóa của Trung Quốc nhưng yêu cầu tất cả các tổ chức và công ty nhà nước hủy bỏ việc ký kết những hợp đồng mới với công ty Trung Quốc.

Ngành đường sắt thông báo hủy một dự án được giao cho một nhà thầu Trung Quốc vào năm 2016. Theo một số nguồn tin, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các công ty thương mại điện tử hiện thị nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà họ bán.

Kim ngạch thương mại song phương, vốn giảm 15% kể từ năm tài chính 2018, dự kiến bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi New Dehli cân nhắc áp đặt thêm thuế quan và thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Quốc không dễ dàng thực hiện xét đến nhiều yếu tố.

Chật vật tìm nguồn thay thế sản phẩm của Trung Quốc

Thứ nhất, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ sau Mỹ. Thứ 2, nước này chiếm gần 12% lượng hàng hóa nhập khẩu của Ấn Độ trong các lĩnh vực như hóa chất, linh kiện ô tô, hàng điện tử gia dụng và dược phẩm.

“Trung Quốc đáp ứng ít nhất 70% nhu cầu dược phẩm của Ấn Độ”, ông Sudarshan Jain, Chủ tịch Liên minh Dược phẩm Ấn Độ nói với BBC. Mặc dù Ấn Độ đã công bố chính sách mới để tự chủ hơn trong lĩnh vực dược phẩm nhưng theo ông Jain, điều này sẽ mất nhiều thời gian.

Lĩnh vực điện thoại thông minh vốn đang bùng nổ tại Ấn Độ cũng phụ thuộc khá nhiều vào các mặt hàng điện thoại giá rẻ do Oppo, Xaomi và nhiều hãng khác của Trung Quốc sản xuất, chiếm phần lớn thị trường.

Phần lớn các nhà sản xuất hàng điện tử gia dụng cũng cho biết họ sẽ bị tê liệt nếu không thể nhập khẩu các linh kiện quan trọng từ Trung Quốc.

“Hầu hết các công ty hoạt động trong lĩnh vực này trên toàn cầu đều nhập khẩu những linh kiện quan trọng, chẳng hạn như máy nén khí, từ Trung Quốc”, ông Thiagrajan, giám đốc điều hành Blue Star Limited – nhà sản xuất máy điều hòa không khí, máy lọc không khí và máy làm mát của Ấn Độ nêu rõ.

Ông Thiagrajan cho biết thêm, sẽ mất nhiều thời gian để thiết lập chuỗi cung ứng ở trong nước và họ cũng có ít lựa chọn thay thế cho một số hàng hóa nhập khẩu.

Ấn Độ và Trung Quốc ngày càng trở nên hội nhập về mặt kinh tế trong những năm gần đây. Bắc Kinh đã thâm nhập sâu vào lĩnh vực công nghệ của New Dehli khi các công ty như Alibaba và Tencent bơm hàng tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ như Zomato, Paytm, Big Basket và Ola.

Điều này khiến các tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc trở thành “một phần không thể tách rời” trong hệ thống kinh tế xã hội và công nghệ của Ấn Độ, Gateway House – một nhóm cố vấn có trụ sở tại Mumbai nhận định.

“Đã có hơn 90 phi vụ đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ, hầu hết được thực hiện trong hơn 5 năm qua. Ước tính có tới 18 trong số 30 công ty khởi nghiệp có giá trị hơn 1 tỷ USD, có nhà đầu tư Trung Quốc”, Amit Bhandari, nhà phân tích tại Gateway cho biết.

Để ngăn chặn các công ty nước ngoài thao túng thị trường và mua lại các công ty trong nước, Ấn Độ đã sửa đổi các quy định đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trung Quốc dù cáo buộc Ấn Độ vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới nhưng không thể làm thay đổi hiện trạng vì “họ không thể viện dẫn xung đột biên giới là lý do chính dẫn tới sự vi phạm này”, Zulfiquar Memon, quản lý công ty luật MZM Legal cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

“Tự lực tự cường” có phải là câu trả lời?

Chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Quốc mang lại cho Ấn Độ một số động lực để giảm sự phụ thuộc vào mặt hàng nhập khẩu và kêu gọi “tự lực tự cường”.

Thâm hụt thương mại song phương gần 50 tỷ USD từ lâu đã tạo ra rào cản giữa hai nước và những căng thẳng hiện tại sẽ giúp Ấn Độ ngày càng có thêm quyết tâm để “tách rời” Trung Quốc.

Công ty nghiên cứu và xếp hạng tín dụng Acuite đánh giá, sản xuất trong nước của Ấn Độ có thể thay thế tới 25% tổng sản lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này sẽ dẫn đến việc hóa đơn nhập khẩu giảm hơn 8 tỷ USD trong 1 năm.

Còn chuyên gia Bhandari của Gateway House cho rằng, việc tẩy chay các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc như Tik Tok có thể hiệu quả hơn việc tẩy chay hàng hóa vì có nhiều ứng dụng thay thế.

Về phần mình, Ấn Độ hiểu rõ bất cứ biện pháp trả đũa nào về mặt thương mại cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái hiện nay.

Việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến người dân tại Ấn Độ ít được tiếp cận với hàng hóa giá rẻ, đẩy chi phí sản xuất tăng cao, khiến sản phẩm trở nên đắt đỏ hơn do đó, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.

Dữ liệu của Ngân hàng thế giới cho thấy, hơn 50% hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của Ấn Độ là các mặt hàng trung gian, còn hàng tiêu dùng mang nhãn mác “Made in China” chiếm dưới 20%.

Dù dư luận có thể đồng tình với việc tẩy chay hàng tiêu dùng, nhưng nếu biện pháp tẩy chay hàng hóa trung gian được thực thi thì điều này chắc chắn sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước của Ấn Độ.

Nhiều doanh nghiệp tại Ấn Độ nhập khẩu nhiên liệu và hàng hóa trung gian để tạo ra hàng hóa thành phẩm dành cho cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu ra nước ngoài.

Do đó, lệnh cấm nhập khẩu nhắm vào Trung Quốc sẽ làm tổn thương tất cả các doanh nghiệp này vào thời điểm mà họ đang nỗ lực gượng dậy do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Không những vậy, lệnh cấm sẽ làm giảm khả năng sản xuất hàng hóa thành phẩm của Ấn Độ.  

Vậy phía Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi chiến dịch tẩy chay này? Câu trả lời là Trung Quốc sẽ ít bị tổn thương hơn so với Ấn Độ.

India Express lập luận rằng Trung Quốc chiếm 5% sản lượng xuất khẩu và 14% sản lượng nhập khẩu của Ấn Độ (tính theo giá trị USD), trong khi đó Ấn Độ chỉ chiếm 3% trong tổng xuất khẩu của Trung Quốc và chưa tới 1% sản lượng nhập khẩu. 

Nếu cắt đứt giao thương, thiệt hại đối với Bắc Kinh chỉ như “muối bỏ bể”. Hơn nữa, quốc gia này cũng dễ dàng tìm kiếm các nguồn thay thế do là đối tác thương mại lớn của nhiều nước trên thế giới.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục