Trung Quốc sớm mở room hoàn toàn khối công ty chứng khoán

(ĐTCK) Chính phủ Trung Quốc một lần nữa khiến giới đầu tư nức lòng khi tỏ rõ quyết tâm mở cửa thị trường tài chính, vốn được định giá 44.000 tỷ USD với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trung Quốc sớm mở room hoàn toàn khối công ty chứng khoán

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ngày 3/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được sở hữu 100% cổ phần tại công ty chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm và các loại hình doanh nghiệp khác cho tới năm 2020. Đây là thông điệp mới nhất nhấn mạnh quyết tâm mở cửa thị trường tài chính của giới chức Đại lục.

“Đây là tin tốt đối với nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức tài chính toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội mở rộng và thâm nhập sâu hơn vào thị trường tài chính Trung Quốc. Bất chấp cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra với Mỹ, Trung Quốc vẫn gửi đi các thông điệp cho thấy nỗ lực và sự gắn kết với chính sách mở cửa thị trường mạnh mẽ hơn”, Bubert Tse, chuyên gia tại hãng luật Boss & Young nhận định.

Dưới đây là câu trả lời cho những câu hỏi thường gặp về chiến lược mở cửa thị trường tài chính tại Đại lục.

Trung Quốc đã mở cửa thị trường tài chính tới đâu?

Vào tháng 4/2018, giới chức Trung Quốc bắt đầu cho phép các doanh nghiệp ngoại nộp đơn nâng tỷ lệ sở hữu lên mức trên 50% tại các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ. Công ty nước ngoài được phép nắm quyền sở hữu trên 50% tại doanh nghiệp bảo hiểm vào tháng 7/2018. Một tháng sau đó, quy định một tổ chức ngoại và một nhóm nhà đầu tư ngoại được nắm giữ lần lượt 20% và 25% cổ phần tại ngân hàng, tổ chức quản lý nợ tại thị trường Trung Quốc được gỡ bỏ.

Năm 2019, Trung Quốc tiến thêm một bước khi gỡ quy định nắm giữ tối đa đối với một cổ đông ngoại tại ngân hàng nội địa, đồng thời cho phép một số công ty nước ngoài được mở công ty 100% vốn ngoại tại thị trường trong nước.

Quá trình mở cửa tiếp theo diễn ra như thế nào?

Theo thông tin mới nhất, việc công ty nước ngoải sở hữu 100% cổ phần tại công ty chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm và các loại hình doanh nghiệp khác sẽ được cho phép vào năm 2020, dù chưa rõ lộ trình. Các lĩnh vực khác như bảo lãnh, trái phiếu vẫn chủ yếu dành cho doanh nghiệp nội địa.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, vẫn còn nhiều rào cản ẩn giấu khi gia nhập thị trường tài chính Trung Quốc, trong đó có thử thách thâm nhập thị trường tại các lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước đang nắm quyền. Bên cạnh đó, tại lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán, các công ty nội đang nắm giữ 90% thị phần.

Chưa kể, quy trình phức tạp, kéo dài, tính minh bạch của quá trình cũng là những trở ngại với nhà đầu tư. Chẳng hạn, Visa Inc và Mastercard Inc đã phải đợi nhiều năm mới có thể mở cửa hoạt động tại Bắc Kinh vào năm 2015.

Sức hấp dẫn của thị trường tài chính Đại lục lớn tới mức nào?

Đây là thị trường tài chính với quy mô 44.000 tỷ USD. Bất kỳ cơ hội hoạt động nào tại thị trường này đều có thể mang lại lợi nhuận ấn tượng. Theo ước tính của Bloomberg Intelligence, các ngân hàng và công ty chứng khoán ngoại có thể thu lời lớn hơn 10 tỷ USD/năm tại thị trường Trung Quốc cho tới năm 2030.

Các doanh nghiệp nào đang quan tâm tới thị trường này?

UBS Group AG, JPMorgan Chase & Co, Nomura Holdings Inc đều đã được giới chức Trung Quốc chấp nhận sở hữu số lượng cổ phần đủ để nắm quyền kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp liên doanh hoạt động tại thị trường Đại lục. Trong khi đó, yêu cầu của DBS Group Holdings Ltd đang được xem xét. Mới đây, Credit Suisse Group AG thông báo đang có kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp liên doanh hoạt động ở Trung Quốc.

Các tên tuổi khác đang mong muốn mở rộng và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Đại lục bao gồm nhà bảo hiểm từ Đức Allianz SE, nhà bảo hiểm Standard Life Aberdeen Plc, American Express Co, Mastercard, S&P Global Ratings, Moody’s Corp…

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục