Trung Quốc sẽ giang rộng vòng tay cứu trợ Nga?

(ĐTCK) Tỷ giá đồng rúp vẫn biến động mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Nga can thiệp bằng cách nâng lãi suất cơ bản, dự trữ ngoại hối sụt giảm đáng kể, trong khi tìm kiếm sự cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là không thể, liệu Trung Quốc có phải địa chỉ phù hợp để Nga ngỏ lời hỗ trợ?
Trung Quốc sẽ giang rộng vòng tay cứu trợ Nga?

Trung Quốc là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi giá dầu tụt dốc. Theo tính toán của Ngân hàng Mizuho Ltd., giá dầu giảm 30% thì GDP của Trung Quốc có thể tăng thêm từ 0,3 - 0,5 điểm phần trăm.

Hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã ký thỏa thuận có thời hạn 30 năm, trị giá 400 tỷ USD để mua khí đốt của Nga. Trong bối cảnh kinh tế Nga đang phải trải qua rất nhiều khó khăn, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ngỏ lời một cách gián tiếp nhằm hỗ trợ Moscow, cho dù chưa có bất kỳ thông tin cụ thể về gói cứu trợ nào được đưa ra.

Phát biểu tại một hội nghị được tổ chức tại Thủ đô Astana (Kazakhstan) mới đây, ông Lý Khắc Cường nói: “Để hỗ trợ ứng phó lại sự suy giảm kinh tế, Trung Quốc sẵn sàng cung cấp cứu trợ tài chính. Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ này một cách đa phương và với các thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO - mà Nga là một thành viên)”.

Về phần mình, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga chưa đàm phán với Trung Quốc về gói hỗ trợ tài chính nào và từ chối nói về việc liệu Trung Quốc có đang chuẩn bị đưa ra một hình thức cứu trợ nào hay không?

Trên thực tế, nếu Nga thực sự phải cần đến một gói cứu trợ của Trung Quốc thì đây cũng là cơ hội để Bắc Kinh gia tăng tầm ảnh hưởng và vị thế của mình trên toàn cầu, sức mạnh mà Mỹ đã nắm trong suốt thế kỷ qua.

Ngay cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11/2014 từng khẳng định, Trung Quốc sẽ theo đuổi chính sách “ngoại giao nước lớn” khi ông vạch ra các mục tiêu để nâng tầm ảnh hưởng quốc gia.

“Nếu Điện Kremlin quyết định tìm kiếm cứu trợ của Bắc Kinh, chắc chắn Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không bỏ qua cơ hội tuyệt vời này để một lần nữa thể hiện Trung Quốc là người bạn thực sự của Nga”, Cheng Yijun, Chuyên gia nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đánh giá.

Báo chí Trung Quốc cũng nhận định, tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc là một trong những lựa chọn khả dĩ đối với Nga, bởi Trung Quốc sở hữu nguồn dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, ước tính lên tới 3.890 tỷ USD tính tới cuối tháng 9/2014. Bên cạnh đó, với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia, Trung Quốc sẽ tìm cách can thiệp nếu cuộc khủng hoảng đồng rúp trở nên sâu sắc hơn.

Đối với các nền kinh tế đang phát triển, nếu gặp tình cảnh khó khăn tương tự như Nga, họ có thể cầu viện sự hỗ trợ trực tiếp của IMF. Tuy nhiên, Nga đang phải đối mặt với lệnh trừng phạt kinh tế - tài chính của Mỹ và phương Tây (vốn là những nhà cho vay lớn nhất của IMF) xung quanh vấn đề Ukraine, nên Moscow gặp nhiều trở ngại trong việc tìm kiếm các khoản vay của thể chế tài chính này.

Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn PRC Macro Advisors (có trụ sở tại New York, Mỹ), William Hess nhận định, trong bối cảnh đó, Tổng thống Putin sẽ không bao giờ chấp nhận đàm phán với chính những người đang áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga để cầu viện một gói hỗ trợ tài chính.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Gavekal Dragonomics (có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc), Arthur Kroeber cho biết, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa Nga và Trung Quốc cũng là một cơ sở nền tảng để Bắc Kinh cứu trợ Moscow. Thỏa thuận này trị giá 150 tỷ nhân dân tệ (24 tỷ USD) có thời hạn 3 năm, được ký hồi tháng 10/2014 trong cuộc gặp song phương giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình.

Bên cạnh những nhận định về khả năng Trung Quốc cứu trợ Nga, cũng có những ý kiến trái chiều cảnh báo về vấn đề này. Chuyên gia tư vấn cấp cao của SCO, Wang Haiyun cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Nga là con dao hai lưỡi đối với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc dính líu quá sâu, nó có thể kéo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào chính cuộc khủng hoảng đó. 

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục