Trung Quốc nỗ lực thu hút công ty công nghệ niêm yết

(ĐTCK) Trung Quốc sở hữu một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới, nhưng đa phần số này đang niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc). 
Trung Quốc nỗ lực thu hút công ty công nghệ niêm yết

Đầu tiên, để thu hút các doanh nghiệp quay về quê nhà, Trung Quốc phát hành chứng chỉ lưu ký, cho phép nhà đầu tư nội địa nắm giữ cổ phiếu của công ty Đại lục niêm yết tại nước ngoài. Hiện tại, giới chức nước này có động thái mạnh mẽ hơn, ra mắt một sàn giao dịch mới tại Thượng Hải, với những ưu đãi dành riêng cho công ty công nghệ trong việc huy động vốn trên thị trường.

Sàn giao dịch dành cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học và sáng tạo công nghệ (The Science and Technology Innovation Board) được thiết lập tại Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải với mục tiêu không chỉ hỗ trợ công ty công nghệ trong quá trình huy động vốn, mà còn để thúc đẩy quá trình này đạt hiệu quả cao hơn.

Với các quy tắc hiện tại, việc đưa cổ phiếu lên sàn thường mất vài tháng tới vài năm để hoàn thành, nhưng với sàn giao dịch dành riêng cho lĩnh vực công nghệ này, quá trình đăng ký trở nên đơn giản hơn. Bên cạnh đó, cổ phiếu không bị áp dụng các quy tắc về giới hạn giá IPO hoặc khoảng dao động tăng/giảm trong ngày giao dịch đầu tiên…

Phản ứng của thị trường đối với nỗ lực này của giới chức Đại lục là khá tích cực. Kể từ ngày 1/4/2019 tới nay, Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã nhận được đơn xin tham gia thị trường của hơn 30 công ty chứng khoán với vai trò nhà tư vấn và môi giới.

Các chuyên gia nhận định, nhu cầu đối với sàn giao dịch dành riêng cho doanh nghiệp công nghệ trên thị trường Đại lục là rất lớn. Tính riêng quận Hải Điến (Bắc Kinh) - nơi tập trung nhiều startup lĩnh vực công nghệ, có tới 148.600 công ty công nghệ đang hoạt động. Số lượng doanh nghiệp này được dự báo có thể đạt doanh thu hơn 2.000 tỷ Nhân dân tệ (288 tỷ USD) cho tới năm 2020, theo Công ty Chứng khoán Minsheng.

Hiện tại, đa phần các công ty công nghệ niêm yết tại Đại lục đang giao dịch tại sàn Thẩm Quyến, với chỉ số ChiNext, được mệnh danh là Nasdaq của Trung Quốc và đăng ký giao dịch tại Thị trường giao dịch cổ phiếu quốc gia (NEEQ) tại Bắc Kinh. NEEQ có tiêu chuẩn giao dịch thấp hơn nhiều so với việc niêm yết tại Thẩm Quyến hoặc Thượng Hải. Cụ thể, không yêu cầu doanh nghiệp có lợi nhuận, nhà đầu tư cá nhân cần sở hữu ít nhất 5 triệu Nhân dân tệ cổ phiếu để tham gia thị trường. Hiện tại, trên sàn có 10.400 doanh nghiệp đang giao dịch, nhưng hoạt động không lấy làm tích cực.

Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt cho sàn giao dịch chứng khoán dành cho công ty thuộc lĩnh vực công nghệ tại Thượng Hải? Theo giới chức Trung Quốc, sự hấp dẫn nằm ở việc, sàn giao dịch này cho phép công ty đã niêm yết tại nước ngoài được bán cổ phiếu bằng đồng Nhân dân tệ tại Trung Quốc.

Với quy định lên sàn thấp, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí, công sức khi lên sàn, trong khi hiệu quả huy động vốn tại thị trường nội địa tốt hơn. Chưa kể, từ giữa tháng 4/2019, Trung Quốc đã nâng hạn mức mua cổ phiếu hạng A niêm yết tại Đại lục đối với nhà đầu tư nước ngoài đạt chuẩn lên gấp 1,5 lần. Đây sẽ là đối tượng tiềm năng đối với các công ty công nghệ mới lên sàn.

Theo quy định, nhà đầu tư cần sở hữu ít nhất nửa triệu Nhân dân tệ (66.000 USD) và 2 năm kinh nghiệm giao dịch để tham gia thị trường. Bên cạnh đó, công ty chứng khoán với vai trò “đỡ đầu” doanh nghiệp lên sàn cần đầu tư vào công ty trong khoảng thời gian cố định. Doanh nghiệp không cần có lợi nhuận để lên sàn, nhưng phải đáp ứng những yêu cầu tối thiểu về giá trị thị trường, doanh thu, hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D) và dòng tiền.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục