Trung Quốc “lúng túng” với xu hướng mua hàng ngoại online

(ĐTCK) Hàng hóa bán qua con đường thương mại điện tử xuyên biên giới có thể tránh được vô số các loại thuế được áp dụng cho hàng hóa bán qua hình thức truyền thống tại Trung Quốc, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp hưởng chênh lệch giá khi bán sản phẩm của mình.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Thực phẩm, dược phẩm chức năng muốn được nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc bắt buộc phải qua quá trình đăng ký và chờ đợi được cấp phép.

Điều này khiến các công ty như Nature’s Way (Mỹ) tốn khoảng 100.000 USD cho mỗi sản phẩm, theo James Konkle, Giám đốc bộ phận kinh doanh toàn cầu của hãng.

Với 37 dòng sản phẩm dành riêng cho thị trường Trung Quốc, Nature’s Way sẽ phải trả các chi phi lên tới 3,7 triệu USD trước khi có thể bày bán hàng hóa của mình tại Đại lục.

Đây là câu chuyện của 3 năm trước, bởi hiện tại, các doanh nghiệp ngoại đã tìm được cách khác để đưa hàng hóa vào thị trường Trung Quốc.

Thương mại điện tử xuyên biên giới được biết tới là “cửa sau”, giúp khách hàng Đại lục mua sản phẩm được sản xuất tại nước ngoài online.

Wal-Mart Stores Inc, Costco Wholesale Corp, Aldi Stores Ltd và Body Shop International Plc là những cái tên nổi bật trong số các doanh nghiệp đang cùng nhau chia sẻ miếng bánh tại thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc, với doanh số bán hàng đạt 60 tỷ USD năm 2016.

Thông qua con đường này, doanh nghiệp ngoại có thể đưa hàng hóa, thậm chí cả những sản phẩm chưa được phép cung cấp tại các cửa hàng ở Trung Quốc, vào thị trường này. Người dùng có thể nhận sản phẩm trong thời gian nhanh nhất là 1 ngày.

Thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc dự kiến đạt 758 tỷ nhân dân tệ năm 2018 

Xia Chenan, chuyên gia phân tích tại McKinsey & Co Thượng Hải cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới có thể tăng trưởng nhanh gấp ba, chiếm thị phần 15% trong hoạt động thương mại điện tử trong vòng 5 năm tới nếu không bị nhà chức trách kiềm chế.

Hoạt động này dự kiến sẽ tăng trưởng 43% trong năm 2018 với giá trị hàng hóa đạt 758 tỷ Nhân dân tệ, theo McKinsey và iResearch. Trong khi đó, toàn bộ thị trường thương mại điện tử dự kiến đạt giá trị 6,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ năm 2018.

Hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập khẩu online này thông dụng tới mức, xuất hiện thêm 2 từ tiếng Trung mới để mô tả. Theo đó, “haitao” chỉ việc mua sản phẩm nhập khẩu từ các trang bán hàng online và “daigou” chỉ việc thuê người tại nước ngoài mua hàng tại các cửa hàng truyền thống thay mình.

Một lý do khiến nhiều khách hàng Trung Quốc lựa chọn mua sản phẩm ngoại online, đặc biệt là sữa bột cho trẻ em, thực phẩm chức năng và các sản phẩm thuộc danh mục chăm sóc sức khỏe, là bởi mối lo ngại xuất phát từ rất nhiều scandal an toàn thực phẩm, dược phẩm kéo dài lâu nay. Chưa kể, thông qua hình thức này, khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn, nhất là với các sản phẩm đặc thù tại một số thị trường như hạt chia, quả mọng acai…

Hàng hóa bán qua con đường thương mại điện tử xuyên biên giới có thể tránh được vô số các loại thuế được áp dụng cho hàng hóa bán qua hình thức truyền thống tại Trung Quốc, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp hưởng chênh lệch giá khi bán sản phẩm của mình.

Trước tình trạng này, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng 3 quy định mới trong tháng 4/2016 nhằm kiềm chế sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, bao gồm nâng thuế, giới hạn khối lượng sản phẩm được mang về nước với mục tiêu chỉ dành cho nhu cầu mua sắm cá nhân và công bố danh sách sản phẩm ngoại quốc được phép hoặc “được xem xét” mua online.

Tuy nhiên, các biện pháp này dường như chưa mang lại hiệu quả. Chan Wai-chan tại hãng tư vấn Oliver Wyman (Hong Kong) cho biết: “Trung Quốc mở ra một con đường rộng rãi, mọi người bắt đầu ồ ạt bước đi theo đường này. Họ đã giải thoát cho một vị thần trong chiếc bình và giờ không thể nhét vị thần trở lại”.

Thực tế, chính quyền Đại lục đã nhanh chóng rút lại danh sách sản phẩm ngoại được phép mua online vài tuần sau khi công bố khi vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ người dân và thị trường. Giới chức nước này cho biết, họ đang làm việc với các hãng bán lẻ online để tìm ra giải pháp phù hợp hơn và sẽ công bố một danh sách tương tự vào đầu năm 2018.

Việc thương mại điện tử xuyên biên giới nở rộ và phát triển với tốc độ nhanh chóng đã gây ra thiệt hại lớn với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc. Điển hình, lĩnh vực thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, vốn được bảo vệ khỏi các đối thủ nước ngoài nhờ quy định thắt chặt việc nhập khẩu, là đối tượng tổn thương nặng nhất.

Shanghai Jahwa United Co, doanh nghiệp mỹ phẩm nội địa, chứng kiến giá cổ phiếu giảm 40% kể từ khi thương mại điện tử xuyên biên giới hình thành từ đầu năm 2015 tới nay và doanh thu liên tục lao dốc

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục