Trung Quốc liên tiếp bán tháo nợ Mỹ

Trái ngược với những ý kiến cho rằng nợ Mỹ vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn với các quốc gia châu Á và thực tế là nhiều quốc gia như Nhật Bản, Anh quốc đang tăng mua lượng tài sản này, thì Trung Quốc lại bán tháo tài sản này tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 3 vừa qua.
Trung Quốc liên tiếp bán tháo trái phiếu kho bạc của Mỹ Trung Quốc liên tiếp bán tháo trái phiếu kho bạc của Mỹ

Tuy nhiên, nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ vẫn đang nắm giữ lượng trái phiếu kho bạc có giá trị lên hơn 1,14 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc, cao hơn số tài sản tương tự do Nhật, chủ nợ lớn thứ hai, nắm giữ khoảng 26%.

 

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, trong tháng 3/2011, lượng mua ròng các chứng khoán dài hạn, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu, đạt 24 tỷ USD, thấp hơn dự báo 33 tỷ USD và mức 27.2 tỷ USD trong tháng trước.

 

Tổng lượng tín phiếu kho bạc Mỹ mà nước ngoài nắm giữ giảm 21,9 tỷ USD, trong khi lượng mua ròng trái phiếu kho bạc với thời gian đáo hạn ít nhất 2 năm là 26,7 tỷ USD, thấp hơn mức 30,5 tỷ USD trong tháng 2. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2010.

 

Tuy nhiên, nhu cầu trái phiếu kho bạc chính thức lại giảm 10,6 tỷ USD, do nhu cầu đối với tín phiếu giảm 17,5 tỷ USD. Trong khi đó, nhu cầu trái phiếu chính thức tăng 6,9 tỷ USD.

 

Trong tháng báo cáo, Trung Quốc đã giảm lượng trái phiếu kho bạc Mỹ đang nắm giữ khoảng 9,2 tỷ USD xuống 1,145 nghìn tỷ USD, thấp hơn mức 1,154 nghìn tỷ USD trong tháng 2 và mức đỉnh 1,175 nghìn tỷ USD xác lập hồi tháng 10 năm ngoái.

 

Ở chiều ngược lại, Nhật Bản đã nâng lượng trái phiếu kho bạc Mỹ đang nắm giữ từ 890 tỷ USD lên 907 tỷ USD. Tương tự, lượng trái phiếu kho bạc Mỹ do nước Anh nắm giữ cũng tăng từ 295 tỷ USD lên 325 tỷ USD.

 

Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ hiện ở mức 3,18%, thấp hơn so với mức 3,58% vào tháng 3/2011 trước khi số liệu kinh tế trở nên bi quan hơn.

 

CNN Money bình luận, hiện khi đang phải vật lộn với những vấn đề kinh tế như tăng trưởng chậm lại và lạm phát leo thang, Trung Quốc có khả năng tiếp tục bán tháo lượng tài sản nắm giữ bằng USD, kể cả khi Mỹ đã chạm trần nợ và thị trường trái phiếu này chuyển sang trạng thái mới.

 

Hôm qua, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nước này vừa chạm trần nợ 14.300 tỷ USD và đang tiến hành một số biện pháp cắt giảm chi tiêu để tránh phá vỡ mức trần này tới ngày 2/8. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner thúc giục Quốc hội nâng trần nợ để đảm bảo niềm tin trên toàn cầu.

 

Ông Geithner cho biết, “tôi đã gửi thư lên Quốc hội về tầm quan trọng của việc nâng trần nợ đúng lúc để bảo toàn niềm tin vào nước Mỹ và ngăn chặn các thảm họa kinh tế đối với người dân. Một lần nữa, tôi thúc giục Quốc hội nên nâng trần nợ trong thời gian sớm nhất có thể”.

 

Đồng thời, ông cho biết sẽ tạm ngừng đầu tư vào hai quỹ lương hưu lớn của Chính phủ. Như vậy, Quốc hội Mỹ còn 11 tuần để nâng trần nợ, nếu không hệ thống tài chính nước này có thể rơi vào hoảng loạn hoặc kinh tế sẽ rơi vào suy thoái kép.

 

Cuối tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cảnh báo, hệ thống tài chính Mỹ có thể mất ổn định trở lại nếu Quốc hội không nâng trần nợ. “Việc sử dụng trần nợ như một lợi điểm để thương lượng là một điều hết sức rủi ro”, ông nói trước Ủy ban Ngân hàng, nhà ở và đô thị tại Thượng viện.

 

“Không nâng trần nợ đúng lúc sẽ là một điều hết sức rủi ro. Tác động nhỏ nhất là lãi suất sẽ tăng và khiến thâm hụt ngân sách thêm trầm trọng”. Ông cảnh báo thêm, “tác động tồi tệ nhất sẽ là sự mất ổn định của hệ thống tài chính, và dĩ nhiên điều này sẽ gây ra những hậu quả cực kỳ thảm khốc đối với kinh tế Mỹ”.


VNE

Tin cùng chuyên mục