Trung Quốc dùng “lá bài” khách du lịch bành trướng tầm ảnh hưởng trên thế giới?

Giới quan sát nhận xét Trung Quốc có thể đã và đang sử dụng lực lượng khách du lịch đông đảo nhằm đạt được mục tiêu về mặt chính trị tại các quốc gia nước ngoài.
Du khách Trung Quốc chụp ảnh tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên (Ảnh minh họa: AFP). Du khách Trung Quốc chụp ảnh tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên (Ảnh minh họa: AFP).

Channel News Asia dẫn nhận định của giáo sư đại học Tokyo (Nhật Bản) Anu Anwar cho biết sau hàng chục năm phát triển kinh tế, Trung Quốc hiện giờ đã có một số công cụ để gia tăng tầm ảnh hưởng ở nước ngoài. Một trong những công cụ nổi bật có thể kể tới chính là các dự án trong sáng kiến “Vành đai, con đường”.

Trung Quốc cũng đã nhiều lần có động thái cho thấy họ sẽ dùng biện pháp kinh tế để nhằm đạt được mục tiêu chính trị, mà việc sử dụng lực lượng khách du lịch đông đảo được coi là một ví dụ.  

Chỉ trong 20 năm qua, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành quốc gia có lượng khách du lịch ra nước ngoài lớn nhất thế giới. Năm 1997, có 5,7 triệu du khách Trung Quốc ra nước ngoài du lịch. Tuy nhiên, con số này vào năm 2017 đã tăng hơn 25 lần ở mức 130 triệu người.

Cũng vào năm 2017, du khách Trung Quốc đóng góp cho các nền kinh tế trên thế giới 250 tỷ USD, gấp đôi so với du khách Mỹ và gấp 3 du khách Đức.

Ngoài ra, do khả năng ngôn ngữ nước ngoài còn hạn chế nên vẫn có một lượng lớn du khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài thông qua các chương trình do các công ty lữ hành tổ chức.

Con số này chiếm khoảng 38% lượng khách du lịch từ quốc gia Đông Á ra nước ngoài. Trung Quốc cũng có các chính sách đòn bẩy chính thức hoặc không chính thức cho các đơn vị lữ hành.

Chính vì số lượng du khách đông đảo nên chính phủ Trung Quốc được cho có thể tìm cách gây ảnh hưởng tới chính phủ nước ngoài bằng cách kích thích tăng hoặc can thiệp để làm giảm lượng du khách tới một quốc gia nhất định.

Một thống kê cho thấy quốc gia nào lọt vào danh sách “các điểm đến được thông qua” của Trung Quốc sẽ được các công ty lữ hành tăng cường tổ chức các chuyến du lịch tới nước đó. Điều này dẫn tới mức tăng trung bình 50% lượng khách du lịch Trung Quốc tới một quốc gia.

Ngoài ra, Trung Quốc được cho là có quyền kiểm soát khá mạnh mẽ với các công ty lữ hành nên họ có thể tìm cách bỏ cấp phép hoặc hạn chế các doanh nghiệp nói trên tổ chức các chuyến du lịch.

Ba doanh nghiệp lữ hành lớn nhất Trung Quốc đều là doanh nghiệp quốc doanh và chỉ 8% trong số 25.000 công ty lữ hành ở quốc gia Đông Á được cấp phép để tổ chức các chuyến du lịch ra nước ngoài. Các công ty lữ hành quốc tế không được phép tổ chức các chuyến du lịch ra nước ngoài cho người dân Trung Quốc.

Chính điều này cho phép Trung Quốc có thể kiểm soát được lượng khách du lịch một cách nhất định tới các quốc gia trên thế giới.

Thông thường, lượng du khách Trung Quốc sang một nước sẽ lớn hơn nhiều so với chiều ngược lại và điều này mang lại lợi thế lớn hơn cho Trung Quốc trong việc gia tăng tầm ảnh hưởng. 

Theo giáo sư Anwar, Thổ Nhĩ Kỳ được cho đã trở thành “nạn nhân” đầu tiên của lệnh trừng phạt du lịch của Trung Quốc.

Năm 2000, khi Ankara từ chối cho phép một con tàu cũ Trung Quốc mua lại của Ukraine đi qua eo biển Bosphorus, Bắc Kinh đã chặn du khách nước này sang du lịch Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gây áp lực cho Ankara.

Hoài nghi về hiệu quả

(Ảnh: Reuters).

Giáo sư Nhật Bản cho rằng không phải lúc nào chiến thuật gây áp lực bằng du khách của Trung Quốc cũng thành công theo đúng ý họ.

Năm 2012-2013, khi Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng về việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Sensaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Bắc Kinh được cho đã sử dụng du khách nhằm gây áp lực cho Nhật Bản.

Tuy nhiên, ngoài việc ngành du lịch Nhật Bản sụt giảm 24%, chính sách của Tokyo không có một biến chuyển lớn nào.

Tương tự như vậy, Trung Quốc hồi năm 2017 cũng được cho đã can thiệp vào lượng khách du lịch tới Hàn Quốc khiến con số này giảm mạnh từ 7 triệu năm 2016 xuống 3 triệu năm 2017.

Đây được coi là động thái phản đối việc Hàn Quốc cho Mỹ đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD. Tuy nhiên, THAAD đến cuối cùng vẫn được triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Ngoài ra, giáo sư Anwar cảnh báo động thái sử dụng “lá bài” du khách có thể gây hại cho chính nền công nghiệp du lịch của chính Trung Quốc.

Thêm vào đó, người trẻ Trung Quốc hiện thời có xu hướng đi du lịch tự túc vì vậy chuyên gia Nhật Bản cho rằng Trung Quốc trong tương lai sẽ có thể khó khăn hơn trong việc gây áp lực hoặc tác động tới luồng du khách ra nước ngoài.


Theo dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục