Trung Quốc đang thắng thế trong cuộc chiến dầu mỏ

(ĐTCK) Trung Quốc đang nổi lên thành quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ trận chiến giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) với đối thủ.
Trung Quốc đang thắng thế trong cuộc chiến dầu mỏ

Tranh thủ đà lao dốc chóng mặt của giá dầu, Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, đang nhanh tay gom “vàng đen” để dự trữ.

Theo nhận định của Công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects có trụ sở tại London, Trung Quốc đang cố gắng tăng khối lượng nhập khẩu dầu thô lên 700.000 thùng/ngày vào năm 2015, nhằm tăng thêm lượng dự trữ.

Một số nhà đầu tư vẫn đặt cược vào sự phục hồi của giá dầu, ít nhất là dựa vào nhu cầu của Trung Quốc. Việc OPEC quyết định duy trì mục tiêu sản lượng và sự bùng nổ sản lượng dầu ở Mỹ lên mức cao nhất trong hơn 3 thập kỷ qua đã gây ra một sự dư thừa nguồn cung toàn cầu. Khi giá dầu thô sụt giảm kéo dài xuống mức thấp kỷ lục trong 4 năm qua, Trung Quốc tìm cách xây dựng một chiến lược dự trữ dầu.

“Đây là thời gian vàng để có được kho dự trữ dầu chiến lược với chi phí thấp hơn”, Gordon Kwan, Trưởng ban nghiên cứu dầu khí khu vực Hong Kong tại Nomuara Holdings Inc đã viết như vậy trong một báo cáo ra ngày 28/11. “Trung Quốc sẽ được hưởng lợi lớn từ các quyết định của OPEC”.

Dựa trên dữ liệu hải quan cho thấy, Trung Quốc đã tăng lượng nhập khẩu 8,3%, tức khoảng 460.000 thùng/ngày trong 9 tháng đầu năm, là tốc độ tăng lớn nhất kể từ năm 2010. Theo cơ quan năng lượng quốc tế tại Paris, quốc gia này sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới trong vòng 2 thập kỷ.

Trung Quốc đã có tháng mua dầu kỷ lục, lên tới 23,5 triệu thùng; các kho dự trữ dầu thô thương mại đã tăng lên 35.630 nghìn tấn, tương đương khoảng 261 triệu thùng trong tháng 9. Bản tin này được công bố bởi các cơ quan thông tấn Tân Hoa Xã. Theo Bloomberg, đây là kỷ lục thứ 3 liên tiếp Trung Quốc thiết lập trong tháng.

OPEC vẫn sẽ duy trì mục tiêu sản xuất 30 triệu thùng/ngày, điều này cho thấy họ sẽ không điều chỉnh nguồn cung để có thể ảnh hưởng tới giá, nhằm duy trì thị phần trong bối cảnh sản lượng sản xuất dầu của Mỹ tiếp tục tăng cao. Citigroup ước tính, sự dư thừa của nguồn cung toàn cầu sẽ tăng lên gấp đôi, tới 1,3 triệu thùng trong nửa đầu năm tới.

Sau khi OPEC quyết định cắt giảm sản lượng theo cuộc họp trong tuần trước, giá dầu thô Brent đã giảm 41% so với mức đỉnh vào tháng 6/2014, mức giảm tồi tệ nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đây có thể là một sự đe dọa có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu khi giá dầu đã giảm với mức tương đương mức giảm của 3 thập kỷ trước - thời điểm đã dẫn tới cuộc khủng hoảng nợ Mexico và góp phần vào việc tan rã của Liên Xô.

Ở các vị trí đầu cơ dài hạn, trong khi tương lai giá dầu thô của Mỹ có thể giảm tới 51% và các nhà đầu tư mất niềm tin vào hành động của OPEC, thì Trung Quốc hiện đang nắm dự trữ cao, tương đương với khoảng 30 ngày nhập khẩu. Theo China Petrochemacal Corp - nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Á, Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh khối lượng dự trữ lên mức tương đương 100 ngày nhập khẩu vào năm 2020. Khoản dự trữ này tương đương với số lượng 570 triệu thùng, ước tính dựa trên việc nhập khẩu hàng tháng gần đây nhất của Trung Quốc.

“Chúng tôi biết rằng Trung Quốc đang tận dụng giá dầu thấp để lấp đầy dự trữ dầu lửa chiến lược và họ vẫn còn một chặng đường dài để đi”, Simon Powell, người đứng đầu Ban nghiên cứu châu Á và dầu khí của CLSA Ltd tại Hong Kong cho biết.

Trung Quốc hiện đang mua dầu nhiều hơn ngay cả khi nền kinh tế đang chậm lại. Tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này tăng 7,4% trong năm nay - tốc độ tăng thấp nhât kể từ năm 1990 và dự báo tăng khoảng 7% vào năm 2015, theo phân tích của 56 chuyên gia kinh tế được khảo sát bởi Bloomberg.

“Giá dầu sụt giảm sẽ ‘đẩy’ Trung Quốc xúc tiến chương trình dự trữ khẩn cấp”, Gao Jian, một nhà phân tích của Sơn Đông Trung Quốc tại SCI Internation cho biết như vậy qua điện thoại hôm 28/11.

Kim Tuyến (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục