Tranh cãi về luật khiến Clinton bại trận dù có nhiều cử tri ủng hộ hơn Trump

Bầu cử tổng thống Mỹ theo phương thức đại cử tri bị phản đối vì không bảo đảm dân chủ nhưng nó vẫn tồn tại vì các lý do lịch sử và vấn đề pháp lý phức tạp.
Tranh cãi về luật khiến Clinton bại trận dù có nhiều cử tri ủng hộ hơn Trump

Tháng 11/2000, khi cuộc kiểm phiếu lại ở bang Florida gây chú ý toàn quốc, Hillary Clinton, lúc đó là thượng nghị sĩ New York mới đắc cử đã đề cập đến khả năng ứng viên đảng Dân chủ Al Gore có thể thắng phiếu phổ thông nhưng vẫn thất trận trong cuộc bầu cử tổng thống trước ứng viên Cộng hòa George W. Bush, theo NYTimes.

Bà đã bày tỏ lập trường rõ ràng khi nói rằng: "Tôi vững tin rằng trong một nền dân chủ, chúng ta phải tôn trọng ý nguyện của người dân và đối với tôi, điều này có nghĩa là đã đến lúc phải hủy bỏ hệ thống bầu cử bằng đại cử tri và tiến đến bầu cử dựa vào đầu phiếu phổ thông". Cuối cùng, dù nhận được số phiếu phổ thông thấp hơn ông Gore 500.000 phiếu, ông Bush vẫn đắc cử tổng thống Mỹ năm 2000 vì nhận được 271 phiếu đại cử tri.

Dư vị đắng

16 năm sau, hệ thống đại cử tri vẫn tồn tại và bà Clinton theo bước chân của ông Gore, trở thành ứng viên tổng thống đảng Dân chủ thứ hai trong lịch sử hiện đại bị đánh bại bởi một ứng viên Cộng hòa giành được ít phiếu phổ thông hơn.

Trong bài phát biểu sau bại trận hôm 10/11, bà Clinton không đề cập đến thực tế rằng bà giành số phiếu phổ thông cao hơn - một sự né tránh dường như có chủ ý nhằm khuyến khích một cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm, sau một cuộc bầu cử gây chia rẽ đất nước. Tuy nhiên, phó tướng của bà, Tim Kaine, đã nhấn mạnh việc này khi ông giới thiệu bà lên phát biểu.

Tranh cãi về luật khiến Clinton bại trận dù có nhiều cử tri ủng hộ hơn Trump ảnh 1

Hillary Clinton giành nhiều phiếu phổ thông hơn, Ảnh: Reuters 

Sự chênh lệch phiếu bầu để lại dư vị đắng cho nhiều thành viên đảng Dân chủ. "Nếu chúng ta thực sự tán thành khái niệm 'đa số cầm quyền', vậy tại sao chúng ta không thừa nhận ứng viên được đa số cử tri lựa chọn", Jennifer M. Granholm, cựu thống đốc bang Michigan, đặt câu hỏi.

Ngay chính ông Trump trước đây cũng chỉ trích hệ thống đại cử tri. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, ông Trump viết trên Twitter rằng hệ thống đại cử tri là "tai họa của nền dân chủ". Giờ đây, ông lại trở thành người được hưởng lợi nhờ hệ thống này.

Lý do đại cử tri ra đời

Không một người ủng hộ Clinton nào phẫn uất đến mức kêu gọi không công nhận tính hợp pháp chiến thắng của ông Trump do ông thua số phiếu phổ thông. Thực tế, chênh lệch phiếu phố thổng giữa hai ứng viên lần này thấp hơn mức chênh lệch giữa hai ứng viên Bush và Gore vào năm 2000.

Tuy nhiên, kết quả này khiến những lời kêu gọi cải cách bầu cử xuất hiện trở lại. "Cá nhân tôi muốn hệ thống đại cử tri phải bị xóa bỏ hoàn toàn. Tôi nghĩ nó là một khuyết tật lịch sử", David Boies, luật sư đại diện cho ứng viên Gore trong vụ kiện tụng yêu cầu kiểm phiếu lại ở bang Florida năm 2000, nói.

Những người bảo vệ hệ thống đại cử tri lập luận rằng hệ thống này giúp giảm các khả năng kiểm phiếu lại đầy mệt mỏi trên toàn quốc trong các cuộc bầu cử so kè sát nút, một viễn cảnh mà Gary L. Gregg II, học giả ở Đại học Louisville, gọi là "cơn ác mộng quốc gia".

Tranh cãi về luật khiến Clinton bại trận dù có nhiều cử tri ủng hộ hơn Trump ảnh 2

Mặc dù cũng từng phản đổi cách bầu cử qua cử tri đoàn, nhưng lần này Donald Trump lại được hưởng lợi.

Nhiều nhân tố giải thích cho việc thành lập hệ thống phân bổ số phiếu đại cử tri cố định cho mỗi bang dựa vào quy mô đoàn nghị sĩ quốc hội của bang đó.

Những người lập quốc của nước Mỹ muốn bảo đảm rằng tiếng nói của người dân ở các bang có dân số thấp không bị phớt lờ. Vào thời mà các cơ quan truyền thông đại chúng lớn chưa xuất hiện, những người lập quốc lo ngại người dân Mỹ sẽ thiếu thông tin về các ứng viên để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt. Vậy nên, những đại cử tri nắm được nhiều thông tin sẽ đại diện cho họ.

Trên hết, một số nhà sử học chỉ ra vai trò quan trọng của nô lệ trong việc thành lập hệ thống đại cử tri. Các đại biểu các bang miền nam tham dự Hội nghị Lập hiến năm 1797, đáng chú ý nhất là James Madison đến từ bang Virginia, lo ngại cử tri ở các bang miền nam sẽ bị số lượng cử tri đông đảo ở các bang miền bắc lấn át.

Tại Hội nghị Lập hiến, James Madison, người được xem là cha đẻ của hiến pháp Mỹ, không đồng tình bầu cử tổng thống trực tiếp theo đầu phiếu phổ thông, vì ông cho rằng thể thức này sẽ gây thiệt thòi cho các bang miền nam, nơi có nhiều nô lệ - những người không có quyền bầu cử. Ông đề xuất hệ thống bầu cử đại cử tri, trong đó, đại cử tri ở mỗi bang sẽ trực tiếp bỏ phiếu bầu tổng thống. Số lượng đại cử tri được phân bổ ở mỗi bang tương ứng với dân số ở bang đó.

Ông đưa ra thỏa hiệp 3/5, cho phép các bang có thể tính mỗi nô lệ tương đương 3/5 của một người tự do khi thống kê dân số, đủ để bảo đảm sức mạnh đa số của các bang miền nam trong các cuộc bầu cử tổng thống.

Khó thay đổi

Những người chỉ trích cho rằng hệ thống đại cử tri là một tàn dư của lịch sử, vi phạm nguyên tắc dân chủ một người - một phiếu bầu và bóp méo cuộc vận động tranh cử tổng thống bằng cách khuyến khích các ứng viên chỉ tập trung vận động ở một số ít các bang có số phiếu đại cử tri lớn hoặc chưa ngả hẳn về phía nào.

"Tôi nghĩ đây là một điều không thể chấp nhận được đối với nền dân chủ. Tôi không thể nghĩ ra biện giải cho hệ thống đại cử tri và bất kỳ biện giải nào đưa ra đều không thuyết phục", George C. Edwards III, giáo sư khoa học chính trị ở Đại học Texas A&M, nói.

Tuy nhiên, những lời kêu gọi thay đổi hệ thống đại cử tri - một bước đi đòi hỏi phải sửa đổi hiến pháp, có khả năng bị đảng Cộng hòa, đang kiểm soát lưỡng viện Mỹ, phớt lờ.

Mặc dù có một số sức ép cải cách bầu cử sau thất bại của ứng viên đảng Dân chủ Al Gore vào năm 2000, điều này nhanh chóng bị lãng quên sau khi George W. Bush và Barack Obama thắng phiếu bầu phổ thông lẫn phiếu bầu đại cử tri trong các cuộc bầu cử tổng thống vào các năm 2004, 2008 và 2012.

Một số bang đã thảo luận khả năng là không nhất thiết phải đòi hỏi sửa đổi hiến pháp. Họ chỉ muốn hủy bỏ hệ thống bầu cử "được ăn cả, ngã về không", trong đó, một ứng viên duy nhất nhận được tất cả số phiếu đại cử tri nếu thắng số phiếu bầu phổ thông tại một bang. Thay vào đó, họ muốn số phiếu đại cử tri được chia ra để phản ánh tỷ lệ phiếu bầu phổ thông dành cho mỗi ứng viên. Bang Maine và bang Nebraska đang có thể thức bầu cử theo kiểu này. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng có thể đối mặt với các thách thức, Laurence H. Tribe, giáo sư ở Trường luật Harvard, nhận định.

Đối với những người cải cách, hy vọng khả quan nhất của họ nằm ở Hiệp ước liên bang về phiếu bầu phổ thông quốc gia (NPVIC), một thỏa thuận giữa các bang nhất trí trao tất cả phiếu đại cử tri của mình cho người thắng phiếu bầu phổ thông toàn quốc.

Cho đến nay, mới có 10 bang và thủ đô Washington, chiếm 165 phiếu đại cử tri, tham gia thỏa thuận này. NPVIC vẫn chưa có hiệu lực vì chưa đủ số bang tham gia.

Còn hiện nay, dường như bất kỳ thay đổi nào đối với hệ thống bầu cử vẫn là ý niệm xa vời.

"Tôi rất giận James Madison. Nhưng tôi không nghĩ rằng mình có thể làm bất cứ điều gì để thay đổi thể thức bầu cử tổng thống", cựu hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Barney Frank, nói.

Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục