Tranh cãi về báo cáo không chứng minh ông Trump vô tội của đặc vụ Mueller

Trong khi phe Cộng hòa cho rằng Mueller đã khép lại các cáo buộc, phe Dân chủ cảm thấy ông đang kêu gọi quốc hội luận tội Trump.
Robert Mueller tại trụ sở Bộ Tư pháp Mỹ ở Washington ngày 29/5. Ảnh: AFP. Robert Mueller tại trụ sở Bộ Tư pháp Mỹ ở Washington ngày 29/5. Ảnh: AFP.

Ngày 29/5, công tố viên đặc biệt Robert Mueller lần đầu tiên tiếng về cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và quan hệ giữa chiến dịch tranh cử của Donald Trump với Nga. Các chính trị gia lưỡng đảng và các nhà bình luận cố gắng phân tích ngôn từ của ông và đưa ra kết luận của riêng họ.

Sau khi báo cáo điều tra của Mueller được công bố hồi tháng trước, Trump liên tục phát biểu rằng ông đã được chứng minh mình "không thông đồng và không cản trở công lý".

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm qua, Mueller bác bỏ điều này. Ông xác nhận rằng không có sự thông đồng giữa Trump và Nga nhưng đã phát hiện những hành động cho thấy Tổng thống Mỹ cố gắng ngăn chặn cuộc điều tra. Vì vậy, dù không buộc tội Trump, báo cáo của Mueller cũng không chứng minh ông vô tội.

Mueller giải thích rằng ngay từ đầu đội ngũ của mình đã không đặt mục tiêu truy tố Trump vì Bộ Tư pháp Mỹ cấm có hành động pháp lý với tổng thống đương nhiệm.

"Văn phòng công tố viên đặc biệt là một phần của Bộ Tư pháp và theo quy định, chúng tôi bị ràng buộc bởi chính sách của bộ. Do đó, buộc tội Tổng thống chưa từng là phương án chúng tôi có thể cân nhắc".

Các chính trị gia ở Washington có hai cách nhìn khác nhau về cuộc họp báo của Mueller. Trong khi Trump và các đồng minh cho rằng "vụ án đã được khép lại", các đối thủ của ông nghĩ rằng "đã đến lúc luận tội Tổng thống".

Theo phe Dân chủ, tuyên bố của Mueller là sự ám chỉ rằng nếu Bộ Tư pháp Mỹ cho phép thì ông lẽ ra đã truy tố Trump. Họ cho rằng vì Mueller không có quyền làm việc đó, ông đang gợi ý quốc hội luận tội Trump.

"Giờ đây trách nhiệm phản ứng trước tội lỗi, dối trá và những hành động sai trái của Tổng thống Trump nằm trong tay quốc hội", nghị sĩ đảng Dân chủ Jerry Nadler, chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nói.

Julian Epstein, từng là cố vấn trưởng của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, cho rằng mỗi bên ở Washington "đều thấy điều họ muốn thấy. Vì vậy, có vẻ cuộc họp báo của Mueller không có tác động quá lớn đến tình hình".

Đảng Dân chủ chia thành hai phe: một bên là những ứng viên tranh cử tổng thống năm 2020 nhanh chóng kêu gọi luận tội Trump, bên kia là các nghị sĩ điều hành hạ viện - những người không "mặn mà" với đề xuất này.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi từng lập luận rằng việc luận tội Tổng thống sẽ gây tổn hại cho đảng Dân chủ nói riêng và đất nước nói chung vì các thượng nghị sĩ Cộng hòa có thể dễ dàng chặn động thái này. Quyết định luận tội Tổng thống khi được hạ viện trình lên cần được ít nhất 2/3 số thượng nghị sĩ chấp thuận.

"Phát biểu của Mueller chắc chắn sẽ khiến nhiều người Dân chủ thúc giục luận tội Tổng thống, nhưng tôi nghĩ rằng nó không làm thay đổi các vấn đề cơ bản", Jeff Flake, cựu thượng nghị sĩ bang Arizona nói. Luận tội "là một bước đi tệ khi tính đến cuộc bầu cử năm 2020 và Chủ tịch Hạ viện hiểu điều đó".

Các phụ tá của Trump ở Nhà Trắng nhìn chung bực bội về Mueller, nhưng họ cũng kết luận rằng công tố viên đặc biệt đã không phát biểu điều gì gây chấn động. Không có thông tin hay bằng chứng mới nào được đưa ra.

Mueller tuyên bố rằng nếu được yêu cầu điều trần trước quốc hội, ông cũng sẽ không đưa ra bất kỳ thông tin nào ngoài báo cáo. Một phụ tá ở Nhà Trắng mô tả điều này giống như "lắc quả cầu tuyết" - khuấy động mọi thứ trong một thời gian ngắn rồi mọi việc trở lại như cũ.

Phe Cộng hòa tin rằng nếu tiếp tục theo đuổi nỗ lực luận tội, đảng Dân chủ sẽ hiện lên như những người căm ghét Trump không chịu từ bỏ chỉ vì lợi ích đảng phái. "Câu chuyện về sự can thiệp của Nga đã qua từ lâu nhưng các nghị sĩ Dân chủ vẫn cố bám lấy nó dù thiếu bằng chứng", Sara Fagen, nhà tư vấn của đảng Cộng hòa từng là phụ tá của George W. Bush, nói.

Trong nội bộ đảng Cộng hòa có thể có những người bất bình về các hành động của Trump nhưng hiện chỉ có nghị sĩ là Justin Amash của bang Michigan kêu gọi luận tội ông. Không thượng nghị sĩ Cộng hòa nào thể hiện rằng họ sẽ quay lưng với Tổng thống.

Mo Elleithee, giám đốc điều hành của Viện Chính trị và Dịch vụ công thuộc Đại học Georgetown, cho rằng mối đe dọa lớn hơn đối với Trump có thể là một số cử tri sẽ rời bỏ ông trong cuộc bầu cử 2020 vì các phát hiện trong điều tra của Mueller.

Nếu một số nghị sĩ từng chỉ trích Trump như Mitt Romney, Cory Gardner hoặc Susan Collins bắt đầu thúc giục cử tri nhìn vào những hành vi khả nghi của Trump được liệt kê trong báo cáo, Trump có thể mất đi người ủng hộ, Elleithee nhận xét và nói thêm rằng: "Cho đến lúc đó thì vị thế chính trị của ông ấy vẫn ổn định".


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục