Tiêu dùng Mỹ : “Cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”

(ĐTCK) Quý I/2012, chi tiêu cho tiêu dùng ở Mỹ đã có mức gia tăng lớn nhất trong hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, cú “vươn cánh” của lĩnh vực này chỉ giúp giảm bớt phần nào sự căng thẳng của nền kinh tế nước này trong cùng kỳ, trong khi lại yếu sức hơn cho “chặng bay” tiếp theo.
Tiêu dùng Mỹ : “Cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”

Tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ trở nên ảm đạm trong quý đầu tiên của năm 2012 bởi các doanh nghiệp cắt giảm đầu tư. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, tổng sản phẩm trong nước đã tăng với tốc độ hàng năm là 2,2%, giảm tốc so với mức 3% vào quý IV năm ngoái.

Các nhà kinh tế dự đoán, tăng trưởng kinh tế phần nào sẽ trở nên vững chắc hơn, tuy nhiên, đã bị bất ngờ bởi sự sụt giảm lớn trong chi tiêu quốc phòng. Dù vậy, tăng trưởng vẫn mạnh hơn tốc độ 1,5% trở xuống mà các nhà phân tích đã dự đoán trước đó.

Trong khi tốc độ tăng trưởng vẫn còn quá chậm chạp để có thể mang lại sự yên tâm cho Tổng thống Barack Obama trong việc tìm kiếm cơ hội chiến thắng cho nhiệm kỳ thứ hai của mình, nó dường như vẫn chưa đủ độ yếu kém để có thể làm thay đổi tâm lý “wait and see” (chờ đợi điều gì đó xảy ra trước khi hành động) trong chính sách tiền tệ của Quỹ Dự trữ liên bang.

“Sẽ chẳng có điều gì nghiêm trọng xảy ra cả, chỉ đơn giản là tăng trưởng chậm lại và điều này nhấn mạnh rằng, nền kinh tế đang vận hành trên một nền tảng vững chắc”, Steven Baffico, Giám đốc điều hành tại Four Wood Capital Partners tại New York nhận xét.

Ngay cả khi tăng trưởng giảm tốc thì Hoa Kỳ vẫn đã thực hiện tốt hơn hầu hết các quốc gia phát triển khác, với một số nền kinh tế của châu Âu đã trở lại suy thoái kinh tế.

Chi tiêu Chính phủ đã giảm quý thứ 6 liên tiếp bởi chi tiêu cho quốc phòng sụt giảm và các chính sách thắt lưng buộc bụng của nhà nước và các chính quyền tiểu bang đã có dấu hiệu dần nới lỏng.

Sự gia tăng nhu cầu đối với xe ô tô, được coi là nguồn hỗ trợ lớn nhất đối với chi tiêu tiêu dùng kể từ quý IV năm 2010, đang giúp bù đắp sự thiếu hụt từ chi tiêu của Chính phủ và doanh nghiệp - đã giảm lần đầu tiên từ khi suy thoái kinh tế kết thúc.

Các nhà kinh tế cho biết, sự suy giảm trong chi tiêu của doanh nghiệp có thể chỉ là tạm thời và liên quan đến việc hết thời hạn ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp.

Một dấu hiệu tích cực khác là tình hình xây dựng nhà ở đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ quý thứ hai năm 2010, nhờ vào thời tiết ấm áp bất thường của mùa đông.

Các nhà kinh tế cho rằng, trong khi tăng trưởng chưa đủ yếu để thúc đẩy Fed đưa ra một đợt mua trái phiếu, việc này vẫn sẽ ủng hộ quan điểm của Ngân hàng trung ương rằng, lãi suất nên được giữ gần bằng 0 ít nhất là cho đến cuối năm 2014.

Chủ tịch Fed Ben Bernanke trước đó đã bày tỏ sự đồng tình với lập trường chính sách hiện hành, mặc dù ông cũng đưa ra khả năng về việc mua trái phiếu nhiều hơn nếu nền kinh tế xấu đi.

Cổ phiếu tại Phố Wall đã tăng và ghi nhận mức tăng hàng tuần tốt nhất trong hơn một tháng qua bởi lợi nhuận dự kiến từ Amazon.com và Expedia đã bù đắp cho các báo cáo về GDP.

Giá của các tài sản nợ của kho bạc Mỹ đã suy yếu đi, trong khi đồng đô la cũng giảm giá so với các loại tiền tệ khác.

Mặc dù người tiêu dùng đã đảm nhận việc thúc đẩy tăng trưởng trong quý đầu tiên, nhiều báo cáo đã vẽ ra bức tranh khá yếu cho tăng trưởng quý thứ hai.

Chi tiêu tiêu dùng, chiếm khoảng 70% hoạt động kinh tế của Mỹ, đã tăng với tốc độ 2,9% trong quý đầu tiên sau khi tăng 2,1% trong 3 tháng cuối năm ngoái.

Các hãng xe cũng đã thông báo rằng, doanh số bán hàng đã tăng nhiều nhất trong bốn năm ở quý đầu tiên này. Nhu cầu bị dồn nén sau trận động đất và sóng thần năm ngoái ở Nhật Bản đã bắt đầu quay trở lại. Sản xuất xe cơ giới đóng góp 1,12 điểm phần trăm tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên, hơn gấp đôi quý trước và chi tiêu vào cái gọi là hàng hóa lâu bền như ô tô đã tăng với tốc độ 15,3%.

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, một hiệu suất như vậy lặp lại trong quý thứ hai là điều khó có thể xảy ra. Và với mức lương tăng trưởng yếu ớt cùng với thị trường lao động có dấu hiệu chững lại sau khi tăng trưởng việc làm trung bình 246.000 mỗi tháng từ tháng 12 đến tháng 2, việc tăng chi tiêu của người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ nhanh chóng tan biến trong thời gian tới.

Khả năng chi tiêu trong quý vừa qua cũng được hỗ trợ từ các khoản tiết kiệm, với thực tế là người Mỹ cất giữ tiền mặt ít hơn, với tỷ lệ 3,9%, so với 4,5% trong quý thứ tư. Số tiền còn lại từ các hộ gia đình dành cho thuế và lạm phát tăng với tốc độ chỉ có 0,4% sau khi tăng 1,7% trong quý trước.

“Tiết kiệm thấp hơn cộng với thu nhập yếu không phải là một sự kết hợp thuận lợi cho triển vọng tiêu dùng", ông Neil Dutta, một nhà kinh tế tại Ngân hàng America Merrill Lynch ở New York nhận xét.


Hợp Trang (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục