Thụy Sỹ “đốt” bao nhiêu tiền với quyết định phá tỷ giá?

(ĐTCK) Số tiền mà nhà đầu tư ngoại “bốc hơi” sau quyết định phá giá tỷ giá “vô tiền khoáng hậu” tới 28% của Thụy Sỹ là chưa đo đếm được. Đó là chưa kể ngành xuất khẩu, ngành du lịch… của đất nước này bị thiệt hại “khôn cùng”. Nhưng không ở Thụy Sỹ, ngân hàng trung ương nhiều nước cũng bắt đầu quan ngại.
Thụy Sĩ nổi danh với hệ thống ngân hàng và các sản phẩm đắt tiền như đồng hồ và hóa mỹ phẩm Thụy Sĩ nổi danh với hệ thống ngân hàng và các sản phẩm đắt tiền như đồng hồ và hóa mỹ phẩm

Hôm qua 15/1/2015, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) đã đưa ra quyết định gây sốc khi tuyên bố bỏ mức neo tỷ giá 1,2 franc đổi 1 euro duy trì trong suốt 3 năm qua.

Động thái này đã khiến thị trường tài chính toàn cầu có một phiên biến động mạnh. Đồng Franc Thụy Sỹ tăng mạnh so với đồng Euro tới hơn 28%lên mức cao kỷ lục 0,85 franc/euro.

Biện pháp của SNB được đưa ra trong bối cảnh đúng 1 tuần nữa các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu(ECB) sẽ có cuộc họp thảo luận về biện pháp kích thích kinh tế mới, trong đó có việc bơm một số lượng lớn tiền mặt vào nền kinh tế, điều này sẽ tạo thêm áp lực cho đồng franc.

Là một nước nhỏ có nền kinh tế hướng về xuất khẩu và khu vực ngân hàng quá lớn, Thụy Sĩ đã nhiều lần gặp khó khăn khi tìm cách khống chế đồng nội tệ mà nhà đầu tư luôn tìm đến trong những thời khắc khủng hoảng.

Trong một tuyên bố vào thứ 5 ngày 15/1, Thống đốc SNB, ông Thomas Jordan cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới quyết định này là những tổn thất mà họ phải chịu khi cố giữ mức tỷ giá 1,2franc/ 1 euro, đặc biệt là khi đồng euro ngày càng suy yếu xuống mức thấp nhất kể từ khi ra đời.

Với lượng tiền mặt có thể được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bơm vào nền kinh tế trong thời gian tới (bắt đầu từ 22/1), đồng euro được dự báo sẽ còn giảm giá hơn nữa so với đồng USD. Và do franc Thụy Sỹ được neo theo euro nên có thể cũng giảm giá so với đồng USD.SNB tuyên bố: “Biện pháp khác thường này sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế Thụy Sỹ khỏi những tổn thấy nghiêm trọng”.

Trong buổi họp báo tại Zurich vào chiều ngày thứ Năm, Thống đốc ngân hàng trung ương Thụy Sỹ phát biểu: “Không có lý do gì để trì hoãn thực hiện biện pháp này, và quyết định này là “không thể tránh khỏi”.

Các bộ trưởng của Thụy Sỹ thông báo họ tin tưởng vào quyết định của ngân hàng trung ương nhưng cũng cho biết “rõ ràng” quyết định của SNB “đã tạo ra những thách thức lớn cho nền kinh tế Thụy Sĩ, đặc biêt là cho xuất khẩu và ngành du lịch”.

Mặc dù không có thông tin nào quá rõ ràng về lý do Thụy Sỹ thay đổi chính sách tỷ giá đột ngột và sốc, nhưng giới phân tích cho rằng, lý do rất có thể nằm từ dòng vốn ngoại. Thụy Sỹ đã không đủ khả năng bơm đồng franc liên tục để giữ một tỷ giá danh nghĩa thấp hơn quá xa giá trị thực của đồng nội tệ.
Thụy Sỹ “đốt” bao nhiêu tiền với quyết định phá tỷ giá? ảnh 1

Hiếm có đợt phá giá nào lên tới 28% trong vòng 1 ngày 

Những tổn thất nhãn tiền

Sau động thái của SNB, thị trường chứng khoán Thụy Sỹ (SMI) đã ghi nhận kỷ lục sụt giảm lớn nhất trong vòng 25 năm, đóng cửa ở 8400,61, giảm 8,7%.

Nền kinh tế thụy sỹ được định hướng tập trung vào xuất khẩu, quyết định trên của SNB đã khiến rất nhiều ngành công nghiệp bị đe dọa.

Liên đoàn doanh nghiệp Thụy Sỹ tuyên bố rằng việc đồng tiền của Thụy Sỹ được định giá ở mức cao sẽ nảy sinh nhiều nguy cơ , cũng như “ nền công nghiệp xuất khẩu và du lịch không có đủ thời gian để thích ứng với tình trạng mới của thị trường tiền tệ”.

Liên đoàn lao động Thụy Sỹ cũng cho rằng quyết định của SNB khiến “người lao động trở nên bất an” cho dù chưa có những tác động rõ ràng tới thị trường lao động. Họ cũng chỉ trích việc SNB đưa ra quyết định vào thời gian này sẽ gia tăng thêm sức ép cho những công nhân vốn đã  “chịu nhiều áp lực” bởi điều luật sắp được thi hành về việc giới hạn người nhập cư vào Thụy Sỹ.

Trong một họp báo hôm thứ 5 vừa rồi, Hiệp hội các hãng du lịch Thụy Sỹ cũng cho rằng quyết định này “quá khó để chấp nhận”. Và rằng, đối với các du khách “Thụy Sỹ là một nơi rất đắt đỏ, và bây giờ, nó lại càng đắt đỏ hơn”. Điều này làm tăng thêm nguy cơ  du khách sẽ lựa chọn các điểm đến khác ngoài Thụy Sỹ.

Nhưng một điều đáng nói là giới đầu tư, về nguyên tắc họ được lợi khi đồng franc mạnh lên (quy đổi ra các loại ngoại tệ khác), nhưng sự thực là thị trường chứng khoán Thụy Sỹ đã tụt dốc không phanh sau quyết định này. Cần thêm thời gian để xác định mức thiệt hại là bao nhiêu?

Sức ép của đồng đô la mạnh

Trong một phát biểu tại Mỹ, giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde cho rằng đây là một quyết định khá bất ngờ và cảnh báo về một số rủi ro mà nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt, tương tự như trường hợp Thụy Sỹ.

Trước hết, việc đồng đô la Mỹ tăng giá trong năm nay sẽ khiến các ngân hàng trung ương phải đối mặt với những khó khăn chưa từng xảy ra để phát triển nền kinh tế toàn cầu.

Đồng đô la Mỹ và lãi suất cùng tăng cao sẽ tác động mạnh tới các nền kinh tế mới nổi cũng như các quốc gia đang phát triển, trong khi các nước như Nigeria, Nga và Venezuela đã đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn.

Không chỉ vậy, cả khu vực đồng euro và Nhật Bản cũng sẽ bị kẹt trong tình trạng chậm phát triển và lạm phát kéo dài hơn nữa.

Thêm vào đó, việc Thụy Sỹ gỡ bỏ mức trần tỷ giá cũng làm tăng các nguy cơ chính trị, bao gồm tình trạng của Ukraine và những vụ tấn công khủng bố gần đây.

Trịnh Hằng (theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục