Thế giới: Khủng hoảng tín dụng, ngân hàng lao đao

Cơ quan giám sát các dịch vụ tài chính Đức Bafin vừa cho biết, các ngân hàng và tổ chức tài chính thế giới có thể thiệt hại tới 600 tỷ USD do cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay.
Ngân hàng UBS, "nạn nhân" lớn nhất tại châu Âu của khủng hoảng tín dụng tính đến thời điểm này. Ngân hàng UBS, "nạn nhân" lớn nhất tại châu Âu của khủng hoảng tín dụng tính đến thời điểm này.

 

Tuy nhiên, theo Bafin, kết quả đánh giá này chỉ là “kịch bản xấu nhất có thể xảy ra”, trong khi thiệt hại thực tế có thể chỉ ở mức 430 tỷ USD.

 

Châu Âu lo ngại khủng hoảng lan rộng

 

Cơ quan này cho biết, tổng thiệt hại của các ngân hàng cho tới nay là 295 tỷ USD, trong đó khoảng 10% là thiệt hại của các ngân hàng Đức. Các chuyên gia của Bafin lo ngại rằng ngoài lĩnh vực ngân hàng, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có thể lan sang các khu vực khác.

 

Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, trước tác động tiêu cực của sự suy giảm kinh tế Mỹ, đồng EUR tăng giá mạnh so với đồng USD và mức tăng trưởng kinh tế của khu vực sử dụng đồng EUR chững lại, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét khả năng hướng tới thành lập thể chế tiền tệ - tài chính thống nhất nhằm khẳng định vị thế của đồng tiền chung châu Âu trên quy mô quốc tế.

 

Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ, ông Joaquin Almunia cho rằng vì lợi ích chung của đồng EUR, các nước EU cần phải hạn chế lợi ích “cục bộ” để hướng tới mục tiêu thành lập thể chế.

 

Các chuyên gia tài chính cho rằng Đức-nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể chịu thiệt hại tới 70 tỷ EUR, lớn hơn nhiều so với những dự đoán trước đây. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Michael Glos khẳng định, không có dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng thị trường thứ cấp ở Mỹ đã lan tới Đức.

 

Theo ông, nguồn tín dụng của Đức vẫn rất mạnh và dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Chính phủ năm 2008 sẽ vẫn ở mức 1,7%.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu bởi tập đoàn đầu tư danh tiếng Goldman Sachs của Mỹ vừa dự báo, cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay có thể khiến thị trường tài chính toàn cầu thiệt hại tới 1.200 tỷ USD, trong đó thất thoát của khu tài chính Phố Wall (Mỹ) chiếm tới 40%.

 

Tổ chức “Independent Budget Office” của New York ước tính, tổng mức lợi nhuận của khu tài chính Phố Wall năm 2007 chỉ đạt 3,2 tỷ USD, giảm hơn 80% so với khoản lợi nhuận kếch sù 20,9 tỷ USD năm 2006. Năm 2008, lợi nhuận của khu tài chính Phố Wall dự báo cũng chỉ đạt khoảng 6,6 tỷ USD và năm 2009 là 12,2 tỷ USD.

 

Chính quyền Mỹ nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy các tập đoàn tài chính của Mỹ, gồm các ngân hàng, các tổ chức và quỹ đầu tư cũng như các doanh nghiệp được nhà nước bảo trợ, có thể bị thiệt hại tổng cộng 460 tỷ USD từ các khoản tín dụng và cho vay thế chấp.

 

Từ mùa hè năm 2007 tới nay, các tổ chức tài chính, tín dụng của Mỹ đã công bố khoản thua lỗ tổng cộng 150 tỷ USD từ các khoản nợ xấu. Mức thiệt hại lớn này đã buộc các tập đoàn cho vay và doanh nghiệp đầu tư của Mỹ phải găm giữ nguồn vốn, siết chặt hơn các quy định cho vay, càng làm căng thẳng nguồn cung của thị trường tín dụng.

 

Trong khoản thiệt hại trên đây có tới hơn một nửa liên quan tới các khoản cho vay mua nhà và 15-20% là từ các tài khoản thế chấp. Số còn lại là các khoản cho vay mua ôtô, thuê xe và từ nguồn công trái và tín phiếu.

 

Mức thiệt hại nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kéo dài từ tháng 8/2007 tới nay dự báo trong 2 năm tới có thể làm mất thêm việc làm của hơn 20.000 người ở riêng thành phố New York , nơi có khu tài chính Phố Wall. Đó là chưa kể đến số phận còn đang bị treo lơ lửng của 8.000 trong tổng số 14.000 nhân viên của tập đoàn môi giới đầu tư danh tiếng Bear Stearns vừa bị phá sản phải bán gấp cho tập đoàn J.P. Morgan Chase.

 

Trong nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng tài chính, ngày 31/3, Chính quyền Mỹ đã đưa ra đề xuất thay đổi lớn trong quản lý hệ thống tài chính và đã được giới doanh nghiệp hoan nghênh.

 

Theo đó, sẽ trao quyền lực lớn hơn cho Cục Dự trữ Liên bang (FED) để bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính. Đồng thời, sẽ xoá bỏ các cơ quan như Văn phòng giám sát tiết kiệm và Uỷ ban giao dịch hàng hoá kỳ hạn; chuyển trách nhiệm của những cơ quan này cho các cơ quan liên bang khác.

 

Biện pháp nói trên nhằm bãi bỏ tình trạng quản lý chồng chéo, khi nhiều cơ quan cùng giám sát các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhưng hiệu quả quản lý kém. Nếu thực thi, đây sẽ là sự thay đổi lớn nhất trong quản lý tài chính của Mỹ, kể từ những năm 30 của thế kỷ trước.


VNE

Tin cùng chuyên mục