Thế giới đang kỳ quá độ

(ĐTCK) Chủ nghĩa khủng bố đã không là một trong những mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tuần qua tại Dubai.
Thế giới đang kỳ quá độ

Thay vào đó là những vấn đề như: sự bất ổn của hệ thống tài chính toàn cầu, sự dịch chuyển quyền lực và sự nổi lên của Trung Quốc, sự khan hiếm nguồn lực, sự không tương xứng của các thể chế toàn cầu, sự biến đổi khí hậu và thời tiết bất thường, tình trạng thất nghiệp quy mô lớn của giới trẻ, vấn đề an ninh mạng và tình trạng dễ bị tấn công được tạo nên bởi các công nghệ mới.

Được mô tả như là một sự kiện trí tuệ toàn cầu lớn nhất, Hội nghị Dubai , lần thứ năm, tập hợp hàng nghìn nhân vật có thể ra quyết định, các chuyên gia và nhà sáng tạo hàng đầu đến từ 8 quốc gia. Các cuộc thảo luận của họ xoay quanh việc xử lý các vấn đề đang gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, khu vực và lĩnh vực và chuẩn bị dữ kiện cho cho sự kiện quan trọng nhất của WEF sẽ diễn ra vào tháng 1/2013 tại Davos.

Nếu có một chủ đề xương sống kết nối các vấn đề riêng rẽ được thảo luận tại Dubai thì đó là một thế giới đang trong giai đoạn chuyển biến sâu sắc nhưng lại không rõ sẽ đi về đâu. Thế giới hiện tại đang là nơi mà các cơ hội nhiều vô số như những rủi ro và thách thức.

Một cuộc khảo sát đã được tiến hành tại Hội nghị để xem các thành viên của WEF nhìn nhận xu hướng nào là quan trọng nhất có thể tác động đến thế giới trong 18 tháng tới. Kết quả, trong số 15 xu hướng được đưa ra, có khả năng sụp đổ của khu vực đồng euro, triển vọng kinh tế quốc tế bất ổn, cuộc cách mạng thông tin kỹ thuật số, sự thiếu vắng lãnh đạo toàn cầu, bất mãn xã hội và sự phụ thuộc toàn cầu. Một cuộc điều tra khác cũng đã được thực hiện trên hàng nghìn thành viên tham gia và kết quả cho thấy, hơn một nửa không tin tưởng vào kinh tế toàn cầu, trong đó, Bắc Mỹ bị lo sẽ xảy ra một cú sốc kinh tế hơn là châu Á.

Sự yếu kém của các thể chế quản lý toàn cầu trong việc đương đầu với các thách thức hiện đại nổi lên như là một vấn đề chính tại Hội nghị Dubai . Toàn thể Hội nghị đã chăm chú lắng nghe bài tham luận mạnh mẽ của Klaus Schwab, người sáng lập và cũng là chủ tịch điều hành của WEF. Ông Klaus Schwab đã trích dẫn về thất bại của hệ thống đa quốc gia hiện tại, bao gồm sự rời rạc và yếu ớt về mặt thể chế.

Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng đồng ý với nhận định trên khi nhấn mạnh đến sự thiếu vắng hợp tác quốc tế trong việc chống lại cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra, sự thiếu vắng các quy định và tiêu chuẩn đối với cấu trúc tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Pascal Lamy, Tổng giám đốc Tổ chức Thượng thế giới (WTO) đưa ra một cách nhìn khác. Ông Lamy không đồng ý với nhận định hệ thống đa quốc gia không hoạt động, cho rằng, nó đã giúp phân phối nhiều thứ như thực phẩm, thuốc thang và cả các sản phẩm tài chính cao cấp. Lamy đưa Ngân hàng Thế giới (WB) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ra làm ví dụ.

Cái không làm việc của hệ thống đó liên quan đến các quy định – trong thương mại, sự biến đổi khí hậu và những vấn đề về tài chính. Hệ thống không hoạt động không phải vì không có máy móc hay động cơ, mà vì không có nhiên liệu toàn cầu để chạy động cơ đó. Nhiên liệu đó, theo Lamy, là năng lượng chính trị của các chính phủ. Nhưng khi các nước bị tấn công bởi khủng hoảng tài chính và áp lực xã hội, năng lượng đó đã bị tiêu hao. Để bù đắp, nó phải được tìm kiếm từ các khu vực phi chính phủ, các doanh nghiệp và hiệp hội.

Tham gia vào cuộc tranh luận này, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson đã bày tỏ sự nuối tiếc đối với sự đi xuống của chủ nghĩa quốc tế, đồng thời kêu gọi các cách thức, giải pháp toàn cầu mới, trong đó các quốc gia có thể quan tâm tham gia vì lợi ích của chính mình. Cách duy nhất để tạo ra một thể chế quản trị toàn cầu vì mục tiêu chung là khi mục tiêu đó bao hàm lợi ích quốc gia.

Triển vọng địa chính trị toàn cầu cũng là một vấn đề thu hút sự tham gia của các diễn giả tham gia WEF, trong đó đặc biệt lưu tâm đến vị thế đang lên của Trung Quốc. Có một điểm đáng chú ý từ các cuộc tranh luận về đề tài này là, thực tế, không giống như việc xác lập vị thế của các cường quốc sau Thế chiến II, Trung Quốc không áp đặt vị thế này. Tuy nhiên, nước này không phản đối trật tự hiện tại, đồng thời bày tỏ sự sẵn sàng đảm đương trách nhiệm của một cường quốc… nếu được thừa nhận.

Những rủi ro khác cũng được nêu bật trong phiên họp toàn thể gồm: sự suy giảm các nguồn lực tự nhiên và sự gia tăng của chủ nghĩa quốc gia đối với tài nguyên, hiện tượng thời tiết bất thường, thất nghiệp ở người trẻ, căng thẳng tăng lên giữa chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa toàn cầu… Tất cả các diễn giả đều nhất trí rằng, rủi ro địa chính trị đã diễn tiến nhanh hơn năng lực của cộng đồng quốc tế trong việc ứng xử với chúng.

Sự lúng túng của những người đứng đầu các quốc gia trước xu thế chuyển biến của thế giới hiện tại xuất phát từ mức độ đa dạng và phức tạp của cùng lúc rất nhiều vấn đề xảy ra. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là, những diến biến phức tạp đó đang thử thách thế giới đi về đâu thì lại chả có ai biết đích xác.


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục