Teresita Sy-Coson: nữ doanh nhân nhà nòi

(ĐTCK) Tạp chí Forbes Asia số ra gần đây đã dành hẳn 4 trang và cả trang bìa để giới thiệu một nữ doanh nhân rất nổi tiếng ở Philippines.
Teresita Sy-Coson Teresita Sy-Coson

 Bà tên là Teresita Sy-Coson, 61 tuổi, hiện là Phó chủ tịch SM Investment Corp. (SMIC), một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Philippines.

Nói đến bà thì không ai ở Philippines lại không nghĩ ngay đến ông Henry Sy, bố bà, năm nay đã 89 tuổi, quốc tịch Philippines gốc Hoa, Chủ tịch Tập đoàn SMIC. Theo tạp chí kinh doanh Forbes (Mỹ), với tổng tài sản 8 tỷ USD, ông Henry Sy hiện là tỷ phú giàu nhất Philippines. Ông bố thì quá nổi tiếng, còn bà Teresita Sy-Coson chính là trợ thủ đắc lực nhất của ông, giúp ông gây dựng nên cơ đồ hiện nay. 

Gia đình ông Henry Sy hiện sở hữu 61% cổ phần của SMIC ( SMIC có giá trị vốn hoá thị trường là 9,3 tỷ USD). Trong năm 2011, lợi nhuận của SMIC đạt gần 400 triệu USD, tăng 10% so với năm 2010.

SMIC hiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, như bán lẻ, bất động sản, ngân hàng, khách sạn… Trong đó nổi bật nhất là 2 mảng bán lẻ và ngân hàng.

Tuy giữ chức Chủ tịch SMIC, song ông trao hết công việc điều hành cho 6 người con. Con trai cả Henry Sy là Phó chủ tịch SMIC, con trai út Harley Sy quản lý mảng bất động sản của Tập đoàn; con gái thứ Elizabeth Sy quản lý mảng khách sạn; 2 con trai còn lại là Hans và Herbert Sy quản lý mảng chuỗi siêu thị và trung tâm thương mại.

Riêng bà Teresita Sy-Coson, con gái trưởng được ông tin cẩn nhất, ngoài việc đảm nhận chức Phó chủ tịch SMIC, bà còn là Chủ tịch Banco de Oro Unibank, ngân hàng thương mại lớn nhất nước này (xét về tổng tài sản). Tính đến cuối năm 2010, tổng tài sản của Banco de Oro Unibank ước đạt 23,38 tỷ USD. SMIC hiện sở hữu 58% cổ phần của Banco de Oro Unibank.

Ông Henry Sy tiết lộ, là người Hoa tức là vẫn có tâm lý trọng nam hơn nữ, song trong 6 con của mình, ông luôn đánh giá bà Teresita Sy-Coson là buôn bán tài nhất và là người thừa hưởng gen kinh doanh của mình.

“Tôi sinh ra trong gia đình có mấy đời làm kinh doanh, buôn bán, tức là con nhà kinh doanh có nòi. Đó cũng có thể gọi là số phận”, bà Teresita Sy-Coson nói và kể lại, năm lên 5 tuổi, bà đã được ông ngoại cho ngồi cùng bán hàng ở cửa hàng giầy dép tại trung tâm Manila do ông làm chủ và nhiều năm sau đó, cứ hễ rỗi là bà lại đến cửa hàng phụ cho ông.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Assumption tại Manila (thủ đô Philippines ), với bằng cử nhân về thương mại, bà còn muốn học lên tiếp lấy bằng thạc sỹ. Song ông bố kiên quyết gạt đi và nói rằng: “Học thế đủ rồi. Hãy đi làm việc với bố. Đó là trường học tốt nhất”.

Năm 1972, ông bố mở 1 cửa hàng bách hoá tổng hợp có diện tích rộng tới 20.000 m2 ở Manila và trao toàn quyền cho bà, khi đó mới 21 tuổi điều hành theo phương thức “lời ăn, lỗ chịu”.

Bà Teresita Sy-Coson tâm sự: “Thú thật là lúc đầu tôi không có kế hoạch và chiến lược gì, cứ làm theo cảm tính, vừa làm, vừa điều chỉnh. Được cái tôi chăm chỉ nên cũng gặp may”. Từ chỗ chỉ quản lý 1 cửa hàng, sau 40 năm, bà đã cùng với cha gây dựng nên cả SM Retail, một công ty con của SMIC hiện sở hữu 144 trung tâm thương mại, siêu thị trên khắp Philippines, với doanh thu gần 3 tỷ USD (số liệu năm 2011).

Không chỉ giỏi kinh doanh, bà còn có đầu óc của nhà chiến lược, nhất là trong hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ngân hàng. Năm 1996, bà được giao điều hành Ngân hàng Banco de Oro, khi đó chỉ xếp thứ 13 trong hệ thống ngân hàng thương mại nước này.

Năm 2004, khi giá cổ phiếu trên Thị trường chứng khoán Philippines giảm mạnh, Banco de Oro đã mạnh dạn mua lại 24% cổ phần của Equitable Bank, khi đó lớn thứ 3 nước này. Năm 2006, bà tiếp tục mạnh tay đầu tư để nâng mức sở hữu lên 35%, để rồi năm 2007 thực hiện sáp nhập Banco de Oro với Equitable Bank, hình  thành ra Banco de Oro Unibank.

Dù được coi là người nối dõi, song bà khiêm tốn chỉ nhận mình là nhà quản lý của cả gia đình mà thôi. “Tôi không phải là người đứng đầu trong số 6 chị em, mà chỉ là thành viên cốt lõi mà thôi”, bà nói.

Riêng ông Lance Gokongwei, Chủ tịch JG Summit Group, đối thủ lớn nhất của SMIC trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ ở Philippines thì nhận xét: “Bà Teresita Sy-Coson được đánh giá cao cả ở Philippines lẫn nước ngoài. Bà đã chứng tỏ hoàn toàn xứng đáng là người nối nghiệp cha”.

Tuy rất giàu có và thành đạt, song bà cảm thấy chưa thật hạnh phúc trong đời tư.

Chồng là tỷ phú Louis Coson chuyên buôn bán gỗ, song đã mất từ năm 2003. Bà có 3 người con, lớn nhất hiện mới hơn 20 tuổi, song theo bà, cả ba đều chưa bộc lộ năng khiếu kinh doanh. Bà nói: “Tôi đặt ra 2 mốc lớn cho các con tôi. Năm 25 tuổi, chúng phải bắt đầu làm việc. Năm 30 tuổi, chúng phải tự chọn tương lai của mình. Hoặc là lập công ty riêng hoặc là làm việc cho công ty của tôi”.   


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục