Tân Giám đốc điều hành IMF là ai?

(ĐTCK-online) Tại cuộc họp của Hội đồng quản trị (gồm 24 thành viên) Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức vào ngày 28/9/2007 tại Washington D.C (Mỹ), ông Dominique Strauss - Kahn, 58 tuổi, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp đã được bầu làm Giám đốc điều hành (GĐĐH) IMF cho nhiệm kỳ 5 năm tới, bắt đầu từ ngày 1/11/2007, thay cho ông Rodrigo de Rato đã đệ đơn từ chức trước thời hạn gần 2 năm.
Tân Giám đốc điều hành IMF là ai?

Ông Dominique Strauss-Kahn đã giành được toàn bộ 24 phiếu, thắng tuyệt đối trước ứng cử viên Josef Tosovsky, nguyên Thủ tướng và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Cộng hoà Séc (do Nga đề cử).

Như vậy, ông Dominique Strauss-Kahn chính thức trở thành vị GĐĐH thứ 10 của IMF kể từ khi thành lập (năm 1944) đến nay. Để vận động các thành viên quan trọng (trong số 185 thành viên IMF) ủng hộ mình, trong vòng hơn 2 tháng qua, ông Dominique Strauss-Kahn đã bay đi bay lại như con thoi khắp thế giới, ước tổng cộng ngót nghét gần 100.000 km. Tuy nhiên, cuộc chạy đua chỉ hoàn toàn ngã ngũ khi Mỹ chính thức lên tiếng công khai ủng hộ ông Dominique Strauss-Kahn vào chức GĐĐH IMF, bởi Mỹ là cổ đông cá nhân lớn nhất của IMF với 16,83% phiếu bầu. Liên minh châu Âu (EU) là cổ đông tập thể lớn nhất với 32,09% phiếu bầu, trong khi Nga chỉ có 2,7% phiếu bầu.

Theo nhiều nhà phân tích, trên cương vị GĐĐH IMF, ông Dominique Strauss-Kahn sẽ phải giải quyết tốt một số vấn đề quan trọng như thực hiện có hiệu quả việc giám sát về tiền tệ và tài chính một cách cân bằng giữa các quốc gia thành viên nghèo và các nước giàu; tạo điều kiện để các thành viên là các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil... có tiếng nói mạnh hơn trong mọi quyết định của IMF, đảm bảo các nguồn thu nhập bền vững hơn... IMF cũng đang phải đối mặt với tình trạng có tiền trong két mà không giải ngân được. Một số quốc gia thành viên như Trung Quốc, Nga... hiện có nguồn dự trữ ngoại tệ quá dồi dào, nhiều quốc gia trước đây như Indonesia, Mexico... đã từng phải cầu cứu tới IMF nay đã trả hết nợ và cũng không muốn vay tiếp... Nhiều quốc gia châu Phi giờ lại thích vay vốn tín dụng của Trung Quốc (với lãi suất ưu đãi) hơn là vay tiền của IMF với nhiều thủ tục phiền hà, lằng nhằng. Thêm vào đó, ông Dominique Strauss-Kahn cũng phải xây dựng và xử lý một cách khéo léo cơ chế mới đối với việc bầu chọn người kế nhiệm mình sau này. Theo thông lệ bất thành văn từ trước đến nay, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) luôn là người mang quốc tịch Mỹ, trong khi GĐĐH IMF phải là người của một quốc gia thuộc EU. Gần đây, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil... đã phản ứng kịch liệt cơ chế này và kiên quyết yêu cầu từ năm 2012 trở đi, GĐĐH IMF sẽ không nhất thiết là người của EU nữa. Để trấn an phần nào, EU đã cam kết, đây là lần cuối cùng một ứng cử viên của EU nghiễm nhiên được bổ nhiệm vào ghế GĐĐH IMF.

Là Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp dưới thời Thủ tướng Pháp Lionel Jospin từ năm 1997 đến năm 1999, ông Dominique Strauss-Kahn đã thành công trong việc cắt giảm thâm hụt tài chính, thực hiện tư nhân hoá một số tập đoàn kinh tế nhà nước lớn như France Telecom, Air France, ủng hộ việc sử dụng đồng tiền chung euro và đã có nhiều động thái tích cực trong quá trình chuyển sang đồng euro...

GĐĐH đương nhiệm IMF Rodrigo Rato nhận định, ông Dominique Strauss-Kahn là “một chính khách và kinh tế gia có uy tín trên trường quốc tế. Ông có đủ trình độ chuyên môn, kinh nghiệm lẫn tầm nhìn chiến lược để có thể dẫn dắt IMF vào thời điểm quan trọng này”. Chủ tịch WB Robert Zoellick (từ tháng 7/2007) đánh giá: “Ông Dominique Strauss-Kahn là người thích hợp nhất cho vị trí GĐĐH IMF hiện nay. Tôi vui mừng khi ông rất quan tâm tới việc thắt chặt quan hệ hợp tác thân thiết giữa 2 tổ chức có uy tín của chúng ta”.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đánh giá việc ông Dominique Strauss-Kahn được bổ nhiệm vào chức GĐĐH IMF là một thắng lợi to lớn của ngành ngoại giao Pháp. Có người bảo rằng, ông nói như vậy dường như là... khen chính mình.

Chính ông Nicolas Sarkozy đã đề cử ông Dominique Strauss-Kahn vào chức này. Đây là một nước cờ chính trị cao tay khiến nhiều nhà phân tích quốc tế phải ngạc nhiên.

Thứ nhất, ông Dominique Strauss - Kahn là người của Đảng Xã hội Pháp, đảng đối lập, từng là đối thủ của Nicolas Sarkozy trong cuộc chạy đua vào chức Tổng thống. Nay thất thế, ông về nghỉ thì lại đột nhiên được Tổng thống chọn vào chức “ngon xơi” như thế.

Thứ hai, khi ông Rodrigo de Rato xin từ chức, không ai có thể nghĩ rằng, lại một người Pháp nữa được chọn để lãnh đạo một định chế tài chính có uy tín lớn như IMF, bởi đã có quá nhiều người Pháp nắm những ghế chủ chốt ở các tổ chức lớn trên thế giới. Ông Pascal Lamy, quốc tịch Pháp, hiện là Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); rồi ông Jean - Claude Trichet, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng là người Pháp.... Trước đây, ông Michel Camdessus, nguyên GĐĐH IMF (từ năm 1987 đến năm 2000) cũng lại là... người Pháp.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục