Tại sao Ben và các đồng nhiệm không thể cứu nổi kinh tế toàn cầu?

(ĐTCK) Động thái mới của các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới đã mang lại hứng khởi cho các thị trường, nhưng niềm vui đó chỉ là nhất thời.
Không những không thể cứu được nền kinh tế toàn cầu, các NHTW còn gây ra nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” Không những không thể cứu được nền kinh tế toàn cầu, các NHTW còn gây ra nguy cơ “chiến tranh tiền tệ”

Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải vật lộn để thoát khỏi Đại suy thoái, buộc các NHTW một lần nữa nỗ lực kích thích tăng trưởng và phục hồi kinh tế. Giữa tháng 9, Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tuyên bố rằng, Ngân hàng sẽ mở rộng chương trình mua trái phiếu của mình để hạ thấp lãi suất dài hạn và khuyến khích đầu tư, tăng việc làm.

Chủ tịch Fed Ben Bernanke nói rằng, gói QE3 sẽ được triển khai cho đến khi nào nước Mỹ nhìn thấy một sự phục hồi về tình trạng việc làm. Tại châu Âu, Chủ tịch Mario Draghi của NHTW châu Âu (ECB) cũng vừa công bố một chương trình mua trái phiếu chính phủ không giới hạn. Draghi gọi chương trình này là “một hàng thủ tối ưu để ngăn chặn những tình huống công phá” Liên minh tiền tệ. Tại Nhật Bản, NHTW nước này (BOJ) gây ngạc nhiên cho các thị trường khi nối gót Fed mở rộng kế hoạch mua tài sản nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ của họ.

“BOJ tin rằng, Ngân hàng cần thiết phải hành động như vậy để giữ cho nền kinh tế Nhật không trật khỏi xu hướng tiến tới sự tăng trưởng bền vững”, ông Masaaki Shirakawa, Chủ tịch BOJ nói.

Với tín nhiệm nhất định, ít nhất, các ông Ben, Mario và Masaaki đang cố gắng làm điều gì đó giúp ích cho kinh tế toàn cầu. Các thị trường tỏ ra phấn khởi với những tuyên bố của họ. Chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau tuyên bố của Bernanke. Còn ở châu Âu, “Super Mario” Draghi đã kéo được eurozone ra khỏi bờ miệng của một thảm hoạ. Lợi suất trái phiếu của các chính phủ Tây Ban Nha và Italia giảm nhanh, giúp giải phóng bớt áp lực khủng hoảng cho khu vực.

Tuy nhiên, cảm giác tốt đẹp này không chắc sẽ kéo dài. Thực tế là các NHTW nói trên không thể tự mình giải quyết được các vấn đề của nền kinh tế thế giới – dập tắt nạn thất nghiệp, phục hồi tăng trưởng và giải cứu đồng euro – chỉ với những công cụ sẵn có của họ. Thậm chí, chính bản thân họ cũng không tin là mình có thể. Bernanke từng thừa nhận rằng, Fed thiếu “những công cụ đủ mạnh để giải quyết vấn nạn thất nghiệp”. Ở châu Âu, những khó khăn mà liên minh tiền tệ đang đối mặt sâu sắc đến nỗi, Draghi chỉ có thể làm êm bề mặt, chứ thực tế không xử lý được tận gốc vấn đề.

Hãy đối diện với sự thật là có một giới hạn cho những gì mà chính sách tiền tệ có thể làm. Tiền dễ hơn từ Fed sẽ không thúc đẩy được thị trường nhà ở Mỹ, hay thuyết phục được các công ty thuê thêm những công nhân mà họ thấy không cần. Đó là bởi chính sách tiền tệ hoạt động một cách gián tiếp - bằng cách nới lỏng tiền tệ, Fed hy vọng làm cho tiền trở nên rẻ hơn để các công ty đầu tư, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ đầu tư, hay là sẽ thuê thêm nhiều người cho những dự án mới. Thậm chí, ngay trong lĩnh vực tài chính, lĩnh vực mà hầu như được lợi trực tiếp từ chính sách hạ giá tiền tệ, việc làm cũng không vì thế được tạo ra thêm. Bank of America và các định chế tài chính khác đã và đang cắt giảm mạnh lao động.

Để thực sự tạo ra tăng trưởng và việc làm cho nền kinh tế Mỹ, Bernanke cần sự trợ giúp từ Washington thông qua một chiến lược rõ ràng về việc giảm thâm hụt ngân sách, cải cách thuế khoá... Nhưng với các chính trị gia đang bận toan tính đảng phái và chỉ chăm chăm đối đầu tranh cử, “sẽ không có đoàn ‘kỵ sỹ quốc hội’ nào khả dĩ xuất hiện nơi chân trời”.

Draghi cũng đang ở thế tương tự. Chương trình mua trái phiếu của ECB có thể cải thiện tinh thần của các thị trường, nhưng không thể chữa được các lỗi cấu trúc của khu vực đồng euro, hay thu xếp được tài chính cho các chính phủ thành viên. Việc đảm bảo cho sự sống còn của đồng euro sẽ đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các chính sách tài khoá và tiền tệ trên khắp eurozone, giữa một chiến lược tăng trưởng thực sự và các biện pháp khắc khổ cũng như cải cách của từng chính phủ riêng lẻ.

Kinh nghiệm xương máu của Nhật Bản có thể nói với chúng ta nhiều nhất về những giới hạn của hoạt động NHTW. Vòng nới lỏng định lượng vừa được BOJ tuyên bố trong tháng 9 chỉ là động thái mới nhất trong loạt dài dằng dặc những cố gắng nhằm kích thích tăng trưởng của ngân hàng này kể từ những năm cuối thập kỷ 1990. Tất cả chúng đã mang lại điều gì cho Nhật Bản? Không gì nhiều. Nền kinh tế này đến nay vẫn tiếp tục ngụp lặn trong vũng lầy suy thoái. Đó là bởi các chính trị gia nước này thường xuyên thất bại trong việc thực hiện những mô hình cải cách – xây dựng một mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn, dỡ bỏ các rào cản thương mại và tự do hoá nền kinh tế nội địa.

Cuối cùng, có một rủi ro mà chính hành động của các NHTW đang tạo ra, mà theo cảnh báo của Bộ trưởng tài chính Brazil là, chính sách nới lỏng tiền tệ của các NHTW lớn có thể “châm ngòi” cho một “cuộc chiến tiền tệ” – đua nhau phá giá đồng tiền để khuyến khích xuất khẩu – trên khắp thế giới.      


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục