S&P làm lành với Chính phủ Mỹ

(ĐTCK-online) Trong tuần qua, ngay sau khi Deven Sharma, 55 tuổi có đơn xin từ chức Chủ tịch Công ty đánh giá và xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P), Tập đoàn McGraw-Hill, công ty mẹ của S&P đã có ngay quyết định bổ nhiệm ông Douglas Peterson, 53 tuổi, hiện là nhà quản lý cao cấp của Citibank, một trong những bộ phận chủ chốt của Tập đoàn tài chính Citigroup thay thế.
CEO S&P Douglas Peterson
CEO S&P Douglas Peterson

Ông Douglas Peterson sẽ chính thức nắm quyền Chủ tịch S&P bắt đầu từ ngày 12/9/2011.

Đây rõ ràng là động thái S&P muốn làm lành với Chính phủ Mỹ. Thị trường phản ứng khá thuận với quyết định bổ nhiệm trên, khi ngay sau đó tại Sở GDCK New York (Mỹ), giá cổ phiếu của McGraw-Hill tăng 4,5%, lên 38,69 USD/cổ phiếu. 

Quyết định trên được đưa ra sau đúng 2 tuần kể từ khi S&P hạ mức tín dụng của Mỹ từ AAA xuống AA+. Sự việc này ít nhiều đã góp phần gây náo loạn trên thị trường chứng khoán Mỹ và cũng làm Chính phủ Mỹ điên đảo ít bữa. Bộ Tư pháp Mỹ đã được giao điều tra lại cơ sở đánh giá này của S&P, bởi 2 công ty xếp hạng tín dụng có tiếng khác là Moody’s và Fitch đều giữ nguyên mức tín dụng của Mỹ là AAA. Đồng thời, Bộ này cũng sẽ xem xét lại việc đánh giá các chứng khoán liên quan đến thế chấp bất động sản dưới chuẩn của S&P trong 2 năm 2008 - 2009. Đã có nhận xét ví von rằng, ở một chừng mực nhất định, S&P như là một trong số “hoạt náo viên” (cheerleader) quảng bá cho những sản phẩm đầu tư mà những tập đoàn tài chính như Goldman Sachs... đã bán ra trên thị trường, góp phần làm phồng to “bong bóng” tín dụng ở Mỹ. Nay mà Bộ Tư pháp “sờ đến” là dễ sinh chuyện. 

Dù cho lãnh đạo S&P cố gắng lý giải rằng, việc ông Deven Sharma từ chức là đã có kế hoạch từ đầu năm nay và hầu như chẳng có liên quan gì đến việc hạ mức tín dụng, song nhiều người không tin vào lời giải thích này.

Ông Noel Hebert, chuyên gia về phân tích tín dụng của Mitsubishi UFJ Securities USA ở New York nhận xét, lời biện bạch của lãnh đạo S&P chẳng khiến ai tin, bởi nếu thực sự đúng như vậy thì phải làm theo cách khác hoàn toàn.

“Chắc chắn mọi người nhìn vào hiện tượng thì đều nhận định, ông Deven Sharma được S&P dắt tay ra khỏi cửa nhà”, ông Noel Hebert bình luận.

Ngay lập tức, S&P đã tìm cách nhanh chóng khép lại “chuyện người cũ, để tập trung vào lãnh đạo mới”. Ông Harold McGraw III, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) McGraw-Hill nhận xét, ông Douglas Peterson là nhà quản lý ngân hàng dày dạn kinh nghiệm, đã có hơn 25 năm liên tục làm việc cho Citigroup tại nhiều thị trường khác nhau, trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ tài chính, thị trường vốn, quản lý rủi ro.

“Với trình độ và bề dày kinh nghiệm, chắc chắn ông Douglas Peterson sẽ đảm nhiệm tốt trọng trách Chủ tịch S&P”, ông Harold McGraw III bày tỏ tin tưởng.

Theo nhiều nhà phân tích, ông Douglas Peterson có khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ tốt với các nhà hoạch định chính sách, quan chức Bộ Tài chính, Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), vốn là điều mà S&P đang rất cần hiện nay. Ông Douglas Peterson đã có không ít  kinh nghiệm giải quyết khủng hoảng, trong đó có cả việc làm giảm căng thẳng trong quan hệ với quan chức Chính phủ Nhật Bản.

Ông Douglas Peterson đã từng điều hành Chi nhánh Citigroup tại Nhật Bản trong 6 năm (từ năm 2004 đến năm 2010), quản lý toàn bộ các mảng hoạt động của Citgroup tại đây. Trong thời gian trên, Citigroup Japan cũng gặp phải khá nhiều rắc rối, vướng mắc trong việc thực thi Luật Chứng khoán của Nhật Bản. Ông Douglas Peterson đã phải đích thân đứng ra xử lý hậu quả, thậm chí còn phải ra điều trần trước Quốc hội Nhật Bản. Tuy nhiên, do ông đã cùng với Charles O. Prince III, CEO Citigroup khi đó, thay mặt Tập đoàn, thành khẩn nhận lỗi và xin lỗi về những sai phạm, nên cuối cùng cũng “tai qua nạn khỏi”.

Sau đó, ông Douglas Peterson không chỉ giúp Citigroup tiếp tục đứng vững ở thị trường Nhật Bản, mà còn thực hiện được vụ mua lại một công ty môi giới chứng khoán Nhật Bản, có trị giá tới 10,8 tỷ USD. Trước đó, từ năm 2001 đến 2004, ông là Trưởng bộ phận Kiểm toán của Citigroup, trực tiếp lãnh đạo đội kiểm toán nội bộ xem xét toàn diện mọi khía cạnh của vụ sáp nhập giữa Citicorp và Travelers (để hình thành ra Citigroup ngày nay).

Trong khi việc S&P bổ nhiệm lãnh đạo mới được xem là nhằm làm dịu tình hình, hàn gắn quan hệ với các cơ quan chức năng của Chính phủ Mỹ, thì cũng ngay tuần qua, ông Lloyd Blankfein, Chủ tịch và CEO Goldman Sachs lại có động thái ngược lại. Ông này đã chính thức ký hợp đồng thuê Reid Weingarten, luật sư về hình sự nổi tiếng của Hãng luật Steptoe & Johnson. Có vẻ như Goldman Sachs đang tỏ ra cứng rắn, khi dám bỏ ra hàng triệu USD thuê luật sư để sẵn sàng đối phó với những cáo buộc mới đây của Quốc hội Mỹ.

Không biết cách xử lý làm lành của S&P hay “lên gân” của Goldman Sachs là khôn ngoan hơn?


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục