S&P bị đánh lùi khi sắp lên đỉnh

(ĐTCK) Phố Wall đã điều chỉnh giảm trở lại trong phiên cuối tuần, khiến đà tăng 2 tuần liên tiếp của chỉ số S&P bị chặn lại.
S&P bị đánh lùi khi sắp lên đỉnh
Thông tin quan trọng, tác động đến Phố Wall trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua và được giới đầu tư chờ đợi là phiên điều trần về chính sách tiền tệ của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), Janet Yellen trước thượng viện vào thứ Năm. Tuy nhiên, cuộc điều trần này đã bị tạm hoãn do bão tuyết. Dự kiến, trong phiên điều trần này, bà Yellen sẽ đề cập đến vấn đề thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế Mỹ, tương lai của gói kích thích kinh tế (QE3), khi mà tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống gần mức mục tiêu của FED là 6,5%.

Trong khi đó, Chủ tịch FED tại TP. St. Louis, James Bullard hôm thứ Sáu cho biết, nền kinh tế Mỹ đang đứng trước triển vọng tốt trong năm 2014 và ông kỳ vọng, các nhà hoạch định chính sách của FED sẽ tiếp tục cắt giảm gói kích thích kinh tế.

Trở lại với phiên giao dịch cuối tuần, các chỉ số chứng khoán Mỹ có đà tăng khá tốt trong suôt phiên, chỉ số S&P500 đã dần dần leo lên đỉnh cao lịch sử mới 1.850 điểm. Tuy nhiên, khi vừa leo qua 1.845 điểm, lực bán đã tăng mạnh, đẩy lui chỉ số này trở lại.

Những phút cuối phiên, thông tin về doanh số bán nhà tháng trước được công bố với mức giảm 5,1%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2012. Sau thông tin này, lực bán mạnh hơn đã khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ quay điểm giảm điểm. Trong 3 tuần qua, chỉ số S&P500 đã tăng 3% khi nhà đầu tư bỏ qua các thông tin không tích cực của nền kinh tế do vấn đề thời tiết.

Kết thúc phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones giảm 29,93 điểm (-0,19%), xuống 16.103,30 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,53 điểm (-0,19%), xuống 1.836,25 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 4,13 điểm (-0,10%), xuống 4.263,41 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,3%, chỉ số S & P 500 giảm 0,1%. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq tăng 0,5%, ghi tuần thứ ba liên tiếp. 

Trong tuần tới, Phố Wall sẽ đón nhận các thông tin quan trọng là doanh số bán nhà, chỉ số niềm tin tiêu dùng, đơn đặt hàng hóa lâu bền, dữ liệu sơ bộ về GDP, chỉ số niềm tin tiêu dùng do Reuters và Đại học Michigan thực hiện.

Trong khi doanh số bán nhà được dự báo sẽ giảm do thời tiết khắc nghiệt và không ảnh hưởng nhiều đến Phố Wall, thì chỉ số niềm tin người tiêu dùng sẽ cho giới đầu tư cái nhìn rõ hơn về triển vọng nền kinh tế Mỹ và ảnh hưởng mạnh tới thị trường chứng khoán trong tuần tới.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp lớn tiếp tục giúp chứng khoán châu Âu tăng điểm trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 21/2, chỉ số FTSE tại Anh tăng 25,07 điểm (+0,37%), lên 6.838,06 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 38,10 điểm (+0,40%), lên 9.656,95 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 25,57 điểm (+0,59%), lên 4.381,06 điểm.

Chứng khoán châu Á phục hồi mạnh mẽ trong phiên cuối tuần, nhất là chứng khoán Nhật Bản đã lấy hết cả vốn lẫn lãi những gì đã cho vay trong phiên thứ Năm. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc giảm sâu do chỉ số PMI tháng 2 của nước này giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng.

Kết thúc phiên 21/2, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản tăng 416,49 điểm (+2,88%), lên 14.865,67 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 174,16 điểm (+0,78%), lên 22.568,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 25,09 điểm (-1,17%), xuống 2.113,69 điểm.

Giá vàng lình xình theo xu hướng tăng trong phiên cuối tuần khi đồng USD giảm nhẹ trở lại. Kết thúc phiên 21/2, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 3,1 USD (+0,23%), lên 1.326,10 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 6,7 USD (+0,51%), lên 1.323,6 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu giảm trong phiên cuối tuần khi tạm chấm dứt chuỗi tăng mạnh do mùa Đông khắc nghiệt tại Mỹ làm tăng nhu cầu nhiên liệu sởi ấm. Kết thúc phiên 21/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,55 USD (-0,55%), xuống 102,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,45 (-0,41%), xuống 109,85 USD/thùng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục