S&P 500 lập đỉnh cao lịch sử mới

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh khả quan của các đại gia ngân hàng giúp Phố Wall tiếp tục tăng mạnh, trong đó, S&P 500 đóng cửa ở mức cao lịch sử mới, bù đắp những gì đã mất trong những phiên đầu năm.
S&P 500 lập đỉnh cao lịch sử mới
Ngày 14/1,  JP Morgan Chase và Wells Fargo công bố kết quả kinh doanh quý IV/2013 tốt hơn mong đợi, bất chấp cho vay thế chấp của Wells Fargo giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, còn JP Morgan Chase lại dính vào vụ của siêu lừa Madoff.

Sau 2 “phát súng” đầu tiên này, Phố Wall lại đón tiếp thông tin vui khi Bank of America Corp (BAC), ngân hàng lớn thứ 2 của Mỹ công bố, lợi nhuận quý IV tăng gần 3 tỷ USD, doanh thu cũng tăng mạnh trong quý.

Ngay sau khi công bố kết quả khả quan, cổ phiếu BAC đã tăng 2,3%, lên 17,15 USD/cổ phiếu, hỗ trợ cho S&P 500 thiết lập mức kỷ lục mới khi đóng cửa, dù mức vượt đỉnh cũ chỉ là 0,02 điểm.

Kết thúc phiên 15/1, Dow Jones tăng 108,08 điểm (+0,66%), lên 16.481,94 điểm. S&P 500 tăng 9,5 điểm (+0,52%), lên 1.848,38 điểm, mức cao nhất trong ngày mà chỉ số này đạt được là 1.850,84 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 31,87 điểm (+0,76%), lên 4.214,88 điểm.

Ngoài kết quả kinh doanh khả quan của khối ngân hàng, Phố Wall cũng đón nhận thông tin về chỉ số giá tiêu dùng tháng trước với mức tăng 0,4%, mức lớn nhất trong 6 tháng, tuy nhiên, vẫn không đe dọa đến áp lực lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Cục dự trữ liên bang khu vực New York công bố báo cáo cho thấy, lĩnh vực sản xuất của New York trong tháng 1 tăng lên mức cao nhất 20 tháng, nhờ đơn đặt hàng mới tăng vọt.

Dữ liệu kinh tế khả quan đã làm giới đầu tư bớt lo lắn khi FED cắt giảm và có thể dẫn tới chấm dứt gói hỗ trợ kinh tế trị giá 85 tỷ USD/tháng (QE3).

Ngoài ra, Phố Wall cũng được hỗ trợ bởi cổ phiếu của đại gia công nghệ Apple khi cổ phiếu này tăng 2%, lên 557,36 USD/cổ phiếu sau khi hãng tuyên bố đạt được thỏa thuận với China Moblie. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu Apple với mức tăng 4,6%.

Chứng khoán châu Âu còn thăng hoa hơn khi có phiên tăng thứ 4 liên tiếp, lên mức cao nhất 5,5 năm trong ngày thứ Tư.

Chứng khoán châu Âu tăng mạnh không những nhờ thông tin tích cực từ bên kia bờ Đại Tây Dương, mà còn nhờ vào báo cáo mới của Ngân hàng thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu hồi phục, với mức tăng 3,2% trong năm 2014 so với mức 2,4% trong năm 2013.

Kết thúc phiên 15/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 53 điểm (+0,78%), lên 6.819,86 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 193,3 điểm (+2,03%), lên 9.733,81 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 57,87 điểm (+1,35%), lên 4.332,07 điểm.

Ngoài ra, thông tin khác hỗ trợ cho chứng khoán châu Âu tăng mạnh là các quy định chặt chẽ về đảm bảo an toàn rủi ro trong cho vay của các ngân hàng khu vực đồng euro cũng đã được nới lỏng, giúp các nhà băng “dễ thở” hơn trong hoạt động và do đó có thể đạt kết quả khả quan hơn trong hoạt động kinh doanh.

Thị trường chứng khoán châu Á cũng hồi phục mạnh mẽ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư nhờ dữ liệu bán lẻ tích cực của Mỹ được công bố ngày trước đó. Dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ giúp đồng USD hồi phục sau khi rơi mạnh bởi dữ liệu việc làm yếu kém. Mặt khác, việc các quan chức FED lên tiếng ủng hộ cắt giảm gói QE3 và tiến tới chấm dứt hẳn gói hỗ trợ này cũng khiến đồng USD hồi phục trở lại, trong đó có cả với đồng yên Nhật Bản.

Những thông tin trên đã ngay lập tức tác động tới thị trường chứng khoán Nhật Bản, giúp chỉ số Nikkei phục hồi 2,5% sau khi đánh mất hơn 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba.

Kết thúc phiên 15/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 386,33 điểm (+2,5%), lên 15,808,73 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 110,72 điểm (+0,49%), lên 22.902 điểm. Ngược lại, chỉ số Shanghai Composite trên TTCK Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 3,49 điểm (-0,17%), xuống 2.023,35 điểm.

Trên thị trường vàng. Giá vàng mở cửa phiên giao dịch ngày 15/1 giảm sâu xuống 1.234 USD/ounce khi các quan chức FED phát biểu sẽ cắt gói QE3, tuy nhiên, sau đó, lực mua kỹ thuật sau đó đã giúp giá kim loại quý này hồi phục dần và chỉ còn giảm nhẹ khi đóng cửa phiên.

Kết thúc phiên 15/1, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 3 USD/ounce (-0,24%), xuống 1.242 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex giảm 7,1 USD/ounce (-0,57%), xuống 1.238,3 USD/ounce.

Trong khi đó, thông tin kinh tế tích cực đã giúp giá dầu tăng mạnh. Trong khi giá dầu thô trên thị trường New York có phiên tăng thứ 2 liên tiếp, thì giá dầu Brent cũng đã hồi phục sau chuỗi ngày giảm giá.

Kết thúc phiên 15/1, giá dầu thô trên thị trường New York tăng 1,58 USD (+1,68%), lên 94,17 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,74 USD (+0,69%), lên 107,13 USD/thùng.

T.Lê tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục