S&P 500 hướng đến mốc lịch sử, Nasdaq cao nhất 14 năm

(ĐTCK) Dù không có thông tin kinh tế tích cực nào được công bố, Phố Wall vẫn có phiên tăng điểm ấn tượng đầu tuần nhờ các thông tin mua bán, sáp nhập (M&A).
Giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào đà phục hồi của kinh tế Mỹ - Ảnh: Reuters Giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào đà phục hồi của kinh tế Mỹ - Ảnh: Reuters

Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, Phố Wall đón nhận một số thông tin kinh tế không mấy khả quan.

Các dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số hoạt động quốc gia của FED Chicago giảm xuống -0,39 trong tháng 1 từ mức 0,16 trong tháng 12/2013. Dữ liệu tài chính doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ giảm xuống 52,7 từ mức 56,7.

Tuy nhiên, những thông tin kinh tế yếu kém này được đổ lỗi do thời tiết khắc nghiệt. Giới đầu tư kỳ vọng rằng, đà phục hồi của kinh tế Mỹ vẫn còn nguyên vẹn.

Vì vậy, các thông tin về các thương vụ mua bán, sáp nhập đã giúp các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng mạnh. Trong đó, S&P 500 vượt qua ngưỡng kháng cự ngắn hạn 1.841, đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày và đang trên đường chinh phục mức cao lịch sử 1.850 điểm. Trong khi đó, Nasdaq leo lên mức cao nhất 14 năm.

Về thông tin M&A, RF Micro Devices Inc đã đồng ý mua TriQuint Semiconductor Inc với giá 1,6 tỷ USD, trong khi Men's Wearhouse Inc nâng mức giá mua mảng bán lẻ quần áo nam giới của hãng Jos A. Bank Clothiers Inc lên 63,5 USD/cổ phiếu, từ mức 57,5 USD/cổ phiếu đưa ra trước đó. Trước đó, là Facebook mua lại WhatsApp với giá 19 tỷ USD.

Kết thúc phiên đầu tuần, chỉ số Dow Jones tăng 103,84 điểm (+0,64%), lên 16.207,14 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,36 điểm (+0,62%), lên 1.847,61 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 29,56 điểm (+0,69%), lên 4.292,97 điểm.

Trong đó, cổ phiếu RF tăng 20%, lên 6,96 USD, trong khi TriQuint tăng 25,8%, lên 11,61 USD/cổ phiếu. Men’s Wearhouse tăng 9%, lên 49,16 USD, trong khi Jos A. Bank tăng 8,2%, lên 59,58 USD/cổ phiếu.

Chứng khoán châu Âu lình xình dưới mức tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch đầu tuần. Tuy nhiên, những thông tin tích cực đưa ra cuối phiên đã giúp các chỉ số quay đầu và kết thúc phiên với mức tăng khá.

Niềm tin kinh doanh của Đức trong tháng 2 lên mức cao nhất kể từ 7/2011. Moody nâng bậc tín nhiệm Tây Ban Nha lên Baa2, nâng triển vọng nợ lên mức “tích cực”. Những thông tin này giúp chứng khoán châu Âu tăng điểm, lên mức cao nhất 2 tuần rưỡi.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số FTSE tại Anh tăng 27,80 điểm (+0,41%), lên 6.865,86 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 51,99 điểm (+0,54%), lên 9.708,94 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 38,07 điểm (+0,87%), lên 4.419,13 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á vẫn chịu tác động từ thông tin từ Trung Quốc, nên đồng loạt giảm điểm trong phiên đầu tuần, trong đó mạnh nhất là chứng khoán Trung Quốc.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản giảm 27,99 điểm (-0,19%), xuống 14.837,68 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông giảm 179,68 điểm (+0,80%), xuống 22.388,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 37,01 điểm (-1,75%), xuống 2.076,69 điểm.

Giá vàng tăng mạnh trong phiên đầu tuần, lên mức cao nhất 4 tháng. Kết thúc phiên 24/2, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 10,5 USD (+0,79%), lên 1.336,60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 10 USD (+0,76%), lên 1.336,6 USD/ounce.

Giá dầu tăng mạnh trở lại trong phiên đầu tuần sau khi ngừng hoạt động sản xuất tại Libya và Nam Sudan làm giảm lượng cung. Kết thúc phiên 24/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,62 USD (+0,60%), lên 102,82 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,79 (+0,71%), lên 110,64 USD/thùng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục