Société Générale “lõm” 7 tỷ USD vì một nhân viên

(ĐTCK-online) Cuối tuần qua, cả thế giới xôn xao về vụ Société Générale (SG), ngân hàng thương mại lớn thứ 2 Pháp bị thiệt hại tới 4,9 tỷ euro (7,15 tỷ USD) do một nhân viên của mình có tên là Jerome Kerviel, 31 tuổi, đã bí mật “nướng” vào các giao dịch bất hợp pháp liên quan đến mua bán cổ phiếu, chứng khoán tại nhiều sở giao dịch chứng khoán ở châu Âu như Paris (Pháp), London (Anh), Frankfurt (Đức).
Không chỉ biết "ăn vụng" giỏi, mà Jerome Kerviel còn "chùi mép" rất tài. Không chỉ biết "ăn vụng" giỏi, mà Jerome Kerviel còn "chùi mép" rất tài.

Vụ việc đã kéo dài gần 2 năm nay, song mãi đến ngày 18/1/2008, SG mới phát hiện ra và lúc đầu định muốn xử lý nội bộ, nhưng quy mô và tổn thất về vật chất quá lớn, nên SG buộc phải mời các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc.

Bằng chứng cụ thể cho thấy, Jerome Kerviel đã thực hiện các giao dịch  bất minh có tổng giá trị lên tới hơn 73 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với thị giá của chính SG (52,6 tỷ USD). Cụ thể,  Jerome Kerviel đã “rút ruột” SG để đổ 44,12 tỷ USD vào TTCK Paris (Pháp); 26,47 tỷ USD vào TTCK Frankfurt (Đức) và 2,94 tỷ USD vào TTCK London (Anh). Jerome Kerviel chơi như con bạc khát nước, thua thì cố gỡ và càng gỡ lại... càng thua.

Tại cuộc họp báo ngày 27/1/2008, lãnh đạo SG cho biết, vào làm việc tại SG từ năm 2000, Jerome Kerviel đã từng là nhân viên môi giới tài chính thuộc Bộ phận Đầu tư và Tài chính của SG tại Paris, sau đó từ năm 2005, chuyển sang làm ở Bộ phận Chứng khoán, hưởng lương gần 100.000 euro/năm. Do nắm vững các thủ tục xử lý và kiểm soát các giao dịch, nên bắt đầu từ đầu năm 2007 đến ngày 18/1/2008, Jerome Kerviel đã bí mật thực hiện các vụ giao dịch cổ phiếu lớn mà không hề bị phát hiện. Lợi dụng sơ hở của SG ở chỗ chỉ kiểm tra giá trị chênh lệch chứ không kiểm tra, theo dõi giá trị thực của từng giao dịch, nên Jerome Kerviel cố ý lựa chọn những hoạt động không dính đến tiền mặt và không yêu cầu phải xác nhận ngay, để thực hiện nhiều phi vụ mua bán có giá trị khổng lồ... Không chỉ biết “ăn vụng” giỏi, mà Jerome Kerviel còn “chùi mép” rất tài, khi xoá dấu vết bằng cách sử dụng mật khẩu của các nhân viên khác, truy cập trái phép vào một số máy tính, tạo ra một số thư điện tử, tài liệu giả mạo...

Có điều rất lạ là, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nào về việc Jerome Kerviel thu vén, hưởng lợi hay kiếm lời cho cá nhân từ các giao dịch này, tức là anh này chơi chỉ để mà... chơi, chứ không phải chơi để kiếm chác, trục lợi, làm giàu cho cá nhân mình. Và các cơ quan chức năng cũng chưa tìm thấy dấu vết về sự liên quan, dính líu của bất kỳ nhân vật nào khác, nên nhiều khả năng Jerome Kerviel hoàn toàn “độc lập tác chiến” trong các phi vụ bất hảo của mình.

Chính vì thế, sau hai ngày bị bắt, bị tạm giam, thẩm vấn, ngày 28/1/2008, Jerome Kerviel đã tạm thời được tại ngoại sau khi phải đóng một khoản tiền thế chân. Hiện tại, các công tố viên Pháp mới chỉ buộc tội Jerome Kerviel là “lạm dụng lòng tin, làm giả và sử dụng các chứng từ, tài liệu giả”, chứ chưa có bằng chứng khép tội “lừa đảo” như lãnh đạo SG mong muốn. Hành vi thì đặc biệt nguy hiểm có nguy cơ làm sập tiệm cả một ngân hàng, quy mô thì đặc biệt lớn (vượt xa vụ tai tiếng tương tự xảy ra vào năm 1995, khi Nick Leeson, quốc tịch Anh làm mất toi 1,38 tỷ USD  của Ngân hàng Barings (Anh) khiến ngân hàng này bị phá sản), song động cơ thì vẫn chưa thật rõ ràng.

Theo luật pháp của Pháp, nếu không có bằng chứng chứng minh Jerome Kerviel hưởng lợi từ các giao dịch bất chính trên thì với 2 tội danh trên, anh này chỉ phải ngồi tù tối đa là 3 năm và chịu khoản tiền phạt 185.000 USD. Nếu khép thêm tội lừa đảo thì nặng nhất Jerome Kerviel cũng chỉ phải chịu hình phạt cao gấp đôi mức trên.

Giờ đây, mũi dùi công kích đang chĩa vào lãnh đạo SG. Làm sao một ngân hàng lớn và uy tín lẫy lừng như SG lại để xảy ra chuyện động trời và khó tin lâu như vậy mà không hề phát hiện ra. Lực lượng kiểm tra, giám sát nội bộ, quản lý rủi ro, an ninh mạng... của SG đi đâu hết cả rồi? Ngay sau khi sự việc vỡ lở, ông Daniel Bouton, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch SG biết thân biết phận đã ngay lập tức nộp đơn xin từ chức, nhưng Ban Giám đốc SG chưa đồng ý. Tuy nhiên,  Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khẳng định, lãnh đạo ngân hàng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về vụ này và có ngay các biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa mọi hiện tượng tiêu cực tương tự. Nhiều khả năng, trước sau ông Bouton vẫn phải ra đi. Bị thiệt hại nặng về tiền bạc, sứt mẻ lớn về uy tín, SG đang đứng trước nguy cơ bị BNP Paribas, ngân hàng thương mại lớn nhất Pháp mua lại.

Được thành lập năm 1864, SG hiện quản lý tổng tài sản  trị giá 467 tỷ euro, có 120.000 nhân viên làm việc ở 77 quốc gia và vùng lãnh thổ và phục vụ cho khoảng 22,5 triệu khách hàng. Lớn như thế mà bị xoá sổ thì quả đáng tiếc.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục