Sau xì-căng-đan, các “sếp” của Barclays nối nhau từ chức

(ĐTCK) Liên tiếp trong hai ngày đầu tuần, cả chủ tịch và CEO của Barclays đã tuyên bố từ chức, sau một loạt những chỉ trích nhằm vào bê bối thao túng lãi suất liên ngân hàng của ngân hàng lớn thứ Hai nước Anh này.
Chủ tịch Marcus Agius (giữa) là nạn nhân đầu tiên của vụ bê bối Chủ tịch Marcus Agius (giữa) là nạn nhân đầu tiên của vụ bê bối

Tuần trước, Barclays bị phát giác đã thao túng lãi suất liên ngân hàng nhằm làm lợi cho kết quả kinh doanh. Phi vụ đã làm “rúng động” ngành ngân hàng nước Anh, tới mức, Thủ tướng Anh David Cameron phải yêu cầu quy trách nhiệm tới từng cá nhân. Vụ việc thậm chí khiến Thủ tướng hôm thứ Hai yêu cầu các ngân hàng lớn khác giải trình và kết quả sẽ được công khai vào cuối năm nay.

Chủ tịch Marcus Agius là nạn nhân đầu tiên của vụ bê bối khi ông là người đầu tiên tuyên bố từ chức hôm thứ Hai. Dù được cho là không liên quan trực tiếp đến vụ thao túng lãi suất thì ông vẫn thừa nhận trách nhiệm với vụ việc.

“Những sự vụ tuần trước là những cú đánh hủy hoại danh tiếng của Barclays”, Agius viết trong bản thông cáo. “Là chủ tịch, tôi là người bảo vệ tối cao cho danh tiếng của ngân hàng”.

Bản thân Barclays trước đó đã phải nộp phạt 450 triệu USD vì hành vi sai trái này. Nhưng cả việc Barclays nộp phạt lẫn việc Agius từ chức cũng không làm dịu đi những chỉ trích của các chính trị gia và giới tài chính nhằm vào người đại diện thứ hai của ngân hàng là CEO Robert E. Diamond Jr. Kết quả là Diamond đã buộc phải tuyên bố từ chức ngay hôm thứ Ba.

“Tôi cảm thấy thất vọng vì nhiều trong số những hành vi thao túng này được thực hiện ngay dưới sự kiểm soát của tôi”, Diamond viết trong thông cáo gửi tới nhân viên.

Tuy nhiên, từ chức chưa phải là kết thúc, và giông bão vẫn còn kéo dài với các lãnh đạo cao cấp của Barclays. Mặc dù không hề thừa nhận trực tiếp trách nhiệm với hành vi thao túng, những nguồn tin trong giới tài chính cho biết chính xác Diamond và đội ngũ lãnh đạo cấp cao của ông là những người trực tiếp thực hiện những hành vi sai trái này.

Các nguồn tin thân cận cho biết, từ năm 2007 và 2008, các cấp phó của Diamond đã chỉ thị cho nhân viên để “đạo diễn” các lãi suất liên ngân hàng, qua đó “làm đẹp” kết quả kinh doanh của Ngân hàng.

Sau khi Lehman Brothers sụp đổ vào tháng 9 năm 2008, Barclays đã bỏ tiền ra mua lại một phần. Và không giống như các ngân hàng tương đương, ngân hàng này không cần phải nhận gói cứu trợ của chính phủ.

Đến cuối năm 2008, Diamond, thời kỳ đó đang là trưởng bộ phận ngân hàng đầu tư, nói với các cấp phó của ông rằng, lãi suất được báo cáo ở mức cao đang khiến các ngân hàng ngoài như Bank of England lo ngại về sức khỏe của Barclays. Các cấp phó của ông sau đó truyền thông điệp này cho các nhân viên cấp dưới, chỉ thị cho họ phải hạ các lãi suất này xuống và nhờ đó đã “làm đẹp” tình hình sức khỏe của ngân hàng.

Nguồn tin trong cuộc tiết lộ tiếp, Jerry del Missier, một ngôi sao đang lên của Ngân hàng và giờ đang là giám đốc hoạt động của Ngân hàng, cũng tham gia vào vụ việc. Ông này cũng đã được chỉ thị về những hành vi trên, nhưng lại không ngăn chặn những việc làm sai trái này. Hai lãnh đạo cao cấp khác, Christopher Lucas, giám đốc tài chính, và Rich Ricci, trưởng bộ phận ngân hàng đầu tư, cũng dính dáng đến vụ việc. Không một ai trong số những lãnh đạo cấp cao bị cáo buộc về hành động sai trái. Missier thậm chí mới được thăng chức lên chức giám đốc hoạt động ngay tháng trước.

Mặc dù thế, bốn lãnh đạo cao cấp của ngân hàng vẫn bị tước khoản thưởng của họ vào tuần trước, trước khi Barclays chấp thuận nộp phạt.

Cũng trong hôm thứ Hai, Barclays thông báo sẽ thực hiện một cuộc kiểm toán độc lập đối với hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra xem, liệu các ngân hàng khác có cố gắng thao túng lãi suất Libor hay không. Họ thậm chí phải mở rộng điều tra trên diện rộng xem liệu các ngân hàng lớn có từng thao túng lãi suất nhằm mục đích tăng lợi nhuận và trốn tránh những câu hỏi về sức khỏe của các ngân hàng hay không.

Trong thông cáo từ chức của mình, Diamond viết: “Động lực của tôi là luôn luôn làm những điều mà tôi tin là tốt nhất cho lợi ích của Barclays. Không một quyết định nào trong thời kỳ đương nhiệm lại khó như quyết định tôi làm hôm nay là từ chức tổng giám đốc. Những áp lực từ bên ngoài đặt lên vai Barclays đã đạt tới mức có nguy cơ hủy hoại thương hiệu của ngân hàng. Tôi không thể để điều đó xảy ra”.


Quang Minh (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục