Sau phút ngẫu hứng, giới đầu tư thận trọng trở lại

(ĐTCK) Sau phiên hưng phấn đầu tuần với thông tin hỗ trợ về việc Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận mới về NAFTA, giới đầu tư tỏ ra thận trọng trở lại trong phiên thứ Ba để hướng sự chú ý vào Canada, cũng như các dữ liệu kinh tế trái chiều.
Sau phút ngẫu hứng, giới đầu tư thận trọng trở lại

Sau khi hưng phấn phiên đầu tuần sau thông tin Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận riêng về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), giới đầu tư trên phố Wall hướng sự chú ý tới Canada, bên thứ 3 của NAFTA, nên tỏ ra thận trọng hơn trong phiên giao dịch thứ Ba.

Cả 3 chỉ số chính của phố Wall chỉ giằng co nhẹ và đóng cửa trong sắc xanh nhạt. Tuy nhiên, từng đó cũng đủ để S&P 500 và Nasdaq thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, trong đó S&P 500 có phiên thiết lập đỉnh lịch sử thứ 3 liên tiếp.

Trong phiên thứ Ba, nhóm cổ phiếu năng lượng đảo chiều giảm theo sự điều chỉnh của giá dầu, nhưng phố Wall vẫn giữ được sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Về thông tin kinh tế, theo dữ liệu mới công bố, niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 8 tăng lên mức cao nhất 18 năm khi các hộ gia đình lạc quan vào thị trường lao động. Điều này cho thấy, chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ sẽ giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trong cuối năm.

Tuy nhiên, dữ liệu khác cho thấy, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 7 tăng mạnh do xuất khẩu nông sản sụt giảm. Điều này cho thấy, cuộc chiến thương mại có thể kéo đà tăng trưởng của quý III chậm lại.

Kết thúc phiên 28/8, chỉ số Dow Jones tăng 14,38 điểm (+0,06%), lên 26.064,02 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,78 điểm (+0,03%), lên 2.897,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 12,14 điểm (+0,15%), lên 8.030,04 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, nhóm cổ phiếu ô tô tiếp tục khởi sắc sau khi Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận mới về NAFTA. Chỉ số chứng khoán chung của châu Âu tăng lên mức cao nhất 2 tuần, chứng khoán Anh sau khi bỏ lỡ phiên đầu tuần do nghỉ lễ, đã tăng khá mạnh trong phiên thứ Ba, chứng khoán Pháp cũng duy trì đà tăng nhẹ trong phiên này, trong khi chứng khoán Đức điều chỉnh giảm nhẹ trở lại vào cuối phiên.

Kết thúc phiên 28/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 39,73 điểm (+0,52%), lên 7.617,22 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 10,89 điểm (-0,09%), xuống 12.527,42 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 5,89 điểm (+0,11%), lên 5.484,99 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục đà tăng theo đà khởi sắc của chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên trước đó, nhưng khi vượt ngưỡng 23.000 điểm, Nikkei 225 đã bị đẩy trở lại, đóng cửa chỉ còn mức tăng nhẹ. Tương tự, sự thận trọng của giới đầu tư sau nhiều phiên tăng mạnh cũng khiến chứng khoán Hồng Kông giằng co và may mắn đóng cửa với sắc xanh nhạt, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục điều chỉnh giảm nhẹ trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 28/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 13,83  điểm (+0,06%), lên 22.813,47 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 80,35 điểm (+0,28%), lên 28.351,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,92 điểm (-0,1%), xuống 2.777,98 điểm.

Trên thị trường vàng, việc đồng USD tiếp tục hạ nhiệt giúp giá vàng duy trì đà tăng khi mở cửa phiên giao dịch thứ Ba leo lên mức cao nhất 2 tuần, nhưng sau đó áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng, đẩy giá kim loại quý này quay đầu đảo chiều. Đà giảm càng mạnh hơn về cuối phiên Mỹ, xuống mức thấp nhất ngày, dưới ngưỡng 1.200 USD/ounce trước khi hồi nhẹ trở lại khi đóng cửa.

Kết thúc phiên 28/8, giá vàng giao ngay giảm 10,3 USD (-0,85%), xuống 1.200,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 1,6 USD/ounce (-0,13%), xuống 1.214,4 USD/ounce.

Tương tự, sau những phiên tăng giá liên tiếp, giá dầu thô đã điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 28/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,34 USD (-0,50%), xuống 68,53 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,26 USD (-0,34%), xuống 75,95 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục