Sau ECB, giới đầu tư dõi theo FED

(ĐTCK) Sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và một số ngân hàng trung ương khác đã đưa ra chính sách của mình, giới đầu tư trên toàn cầu bắt đầu hướng tới cuộc họp của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tuần tới.
Giảm điểm trong phiên cuối tuần, nhưng phố Wall vẫn có tuần tăng điểm nhẹ - Ảnh: AFP Giảm điểm trong phiên cuối tuần, nhưng phố Wall vẫn có tuần tăng điểm nhẹ - Ảnh: AFP

Việc ECB đưa ra gói kích thích giúp chứng khoán toàn cầu, trong đó có phố Wall tăng mạnh. Động thái này của ECB khiến giới đầu tư cho rằng, FED có thể sẽ suy nghĩ kỹ hơn về chính sách của mình trong cuộc họp tới, nhất là ý định tăng lãi suất. Bởi vì, có thể các quan chức của FED không muốn một mình đi ngược lại với xu hướng của thế giới. Do đó, giới đầu tư đoán rằng, FED sẽ viện cớ là việc làm chưa đủ mạnh, còn nhiều rủi ro cho kinh tế Mỹ để trì hoãn việc tăng lãi suất.

Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ có phiên giảm trở lại trong phiên cuối tuần khi nhóm vật liệu giảm sau cắt giảm triển vọng của Goldman Sachs. Bên cạnh đó, một số tập đoàn lớn khác như UPS, Exxon đưa ra triển vọng kém khả quan cũng ảnh hưởng tới phố Wall.

Kết thúc phiên 23/1, chỉ số Dow Jones giảm 141,38 điểm (-0,79%), xuống 17.672,60 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,33 điểm (-0,55%), xuống 2.051,82 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 7,48 điểm (+0,16%), lên 4.757,88 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục tăng mạnh sau quyết định tung gói kích thích kinh tế của ECB. Kỳ vọng vào gói kích thích này, chứng khoán châu Âu đã có tuần tăng mạnh nhất trong 3 năm.

Kết thúc phiên 23/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 36,20 điểm (+0,53%), lên 6.832,83 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 213,96 (+1,32%), lên 10.649,58 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 87,89 điểm (+1,93%), lên 4.640,69 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, quyết định của ECB cũng đem lại sự hứng khới và giúp các thị trường đồng loạt tăng mạnh.

Kết thúc phiên 23/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 182,73 điểm (+1,05%), lên 17.511,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 327,82 điểm (+1,34%), lên 24.850,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 8,42 điểm (+0,25%), lên 3.351,76 điểm.

Sau khi tăng mạnh với kỳ vọng dòng tiền nóng sẽ chảy vào sau quyết định của ECB, giá vàng đã nhanh chóng hạ nhiệt trở lại trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, giá kim loại quý này vẫn có tuần tăng mạnh trên dưới 10%.

Kết thúc phiên 23/1, giá vàng giao ngay giảm 8 USD (-0,61%), xuống 1.294,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 trên sàn Comex giảm 8,1 USD/ounce (-0,62%), xuống 1.292,6 USD/ounce.

Giá dầu thô tăng khi mở cửa phiên giao dịch cuối tuần khi Ả Rập Xê út có Quốc vương mới, với kỳ vọng sẽ có thay đổi về chính sách dầu mỏ. Tuy nhiên, khi tân Quốc vương của nước này cho biết, không thay đổi chính sách dầu mỏ, giá dầu đã nhanh chóng giảm trở lại.

Kết thúc phiên 23/1, giá dầu thô Mỹ giảm 0,72 USD/thùng (-1,58%), xuống 45,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,27 USD (+0,55%), lên 48,79 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục