Sàn giao dịch chứng khoán tư nhân cho các công ty “tiền IPO”

(ĐTCK-online) Tại nước Mỹ, hệ thống thị trường giao dịch chứng khoán đã trở nên hoàn chỉnh với đủ các loại phân cấp, từ các công ty lớn nhỏ cho đến các công ty mới thành lập, nhưng một số doanh nhân Mỹ lại đang tìm tòi phát triển một “chợ” chứng khoán mới dành cho những công ty chưa bán cổ phần ra công chúng. Barry Silbert, CEO của một trong những sàn giao dịch tư phát triển nhanh nhất SecondMarket, là một trong những doanh nhân mang tham vọng như thế.
Sàn giao dịch chứng khoán tư nhân cho các công ty “tiền IPO”

Nói một cách dễ hiểu, SecondMarket của Silbert giống như một trang mạng eBay, phục vụ một nhóm các nhà đầu tư giàu có buôn bán cổ phần của các công ty chưa đại chúng hóa. Đây cũng chính là nơi đã góp phần lớn vào việc định ra những cái giá cao ngất trời cho Facebook hay Groupon trước khi những công ty này tiến hành IPO.

Nhưng phức tạp hơn những trang tin rao vặt mua cổ phần, SecondMarket có hơi hướng của một sàn giao dịch tập trung, nhất là khi Silbert đang cố gắng để thiết lập luật chơi cũng như tiến hành những bước tiến nhất định cho “chợ” chứng khoán của mình.

Sàn giao dịch của ông đặt ra những quy tắc nhất định mà các sàn giao dịch khác không có: một công ty bán cổ phần trên SecondMarket có thể chọn nhà đầu tư nào được phép mua (nhằm loại bỏ những nhà đầu cơ lướt sóng) và tần suất mà những nhà đầu tư này được phép giao dịch. Công ty thậm chí có thể hạn chế giao dịch cổ phiếu của họ chỉ hai lần trong một năm vào hai ngày nhất định.

Hôm thứ Ba vừa qua, Silbert đã làm một việc khác thường: ông niêm yết cổ phiếu của chính Công ty SecondMarket (là một công ty sở hữu tư nhân) lên sàn giao dịch này.

Trước đó vài tuần, ông lặng lẽ thực hiện một cuộc đấu giá trực tuyến trên SecondMarket cho một vài công ty. Tham gia cuộc đấu giá này là một nhóm các nhà đầu tư có ảnh hưởng nhất trong giới đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, bao gồm quỹ đầu tư vào Facebook, cùng với các nhà đầu tư nắm cổ phần ở Twitter, Groupon và Zynga. Tổng cộng, SecondMarket đã bán được 13 triệu USD vốn của các công ty với giá 160 triệu USD.

Có thể con số đó quá bé so với sàn NYSE Euronext - sàn giao dịch chứng khoán tập trung của Mỹ, nhưng câu chuyện của SecondMarket vẫn đáng để người ta cân nhắc về một TTCK mới cho các công ty “tiền IPO”, mà ở đó không có những bất trắc ngoài tầm kiểm soát như ở các TTCK tập trung.

Trông trẻ hơn cái tuổi 35 của mình, Silbert từ 7 năm trước đã thành lập một thị trường thứ cấp phục vụ việc mua bán cổ phần giữa các nhà đầu tư và cán bộ - công nhân viên của các công ty tư nhân, thường là những công ty quá nhỏ không đủ điều kiện chào bán cổ phần ra công chúng.

Thành công của SecondMarket cho đến thời điểm này ra đời từ hoàn cảnh khách quan của nó, khi mà các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ ngày càng khó tiếp cận với thị trường vốn tập trung và các doanh nhân cũng ngày càng khó thành lập và phát triển các công ty nhỏ.

“Trở lại những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, vào thời đó có khoảng 400 - 500 cuộc IPO mỗi năm”, Silbert nhẩm tính. “Nếu bạn nhìn lại thập kỷ trước, năm tốt lắm cũng chỉ có 150 cuộc IPO và những năm tồi tệ thì con số này là dưới 100. Điều đó thật kinh khủng”.

Và đây là những con số gây sốc khác: vào những năm 80 và 90, thời gian trung bình để một công ty bán cổ phần ra công chúng kể từ khi thành lập là khoảng 4 - 5 năm. Giờ đây, quãng thời gian đó là 10 năm. “Thị trường IPO thực sự đang chết dần chết mòn”, Silbert nói.

Hiện tại, thông qua những sàn giao dịch chứng khoán tư nhân như của Silbert, các công ty khởi nghiệp có thể huy động vốn ít nhất cho một phần doanh nghiệp của họ. Dẫu rằng có không ít mặt hạn chế như việc các công ty này không có trách nhiệm công bố thông tin và do đó có thể dẫn đến tình trạng lợi dụng thông tin để thao túng giá, nhưng lợi ích của loại thị trường mới này cũng rất rõ ràng. Cán bộ - công nhân viên và nhà đầu tư có thể trao đổi tiền và cổ phần mà không cần phải thông qua những quá trình nghiêm ngặt của một cuộc IPO. Hơn thế nữa, nó là một thị trường tạo ra giá trị thực cho các công ty “tiền IPO”, thay vì để các quỹ đầu tư mạo hiểm liên tục thổi phồng giá trị của các công ty đó.

Trên thực tế, cơ quan chức năng của Mỹ trong vài tháng gần đây đã bắt đầu nghiên cứu về loại hình chợ chứng khoán mới này.

“Chúng tôi không tự quảng bá cho sàn của mình, nhưng mọi người nên tập trung lại quanh màn hình máy tính để đợi xem chính xác giá nào là giá tốt nhất, giá nào là giá cao nhất,” Silbert nói. “Điều đó thực sự rất thú vị”.


Hải Linh (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục