Sàn giao dịch chứng khoán lớn ở châu Âu mất thế độc quyền

Với việc giới đầu tư cổ phiếu toàn cầu ồ ạt trở lại thị trường, kéo khối lượng giao dịch tăng vọt, lẽ ra thời gian này phải là một giai đoạn ăn nên làm ra đối với các sàn giao dịch chứng khoán lớn ở châu Âu như London Stock Exchange (LSE) hay Deutsche Borse.
Chìa khóa thành công của những sàn giao dịch mới là tốc độ cao và chi phí thấp - Ảnh: Business Week. Chìa khóa thành công của những sàn giao dịch mới là tốc độ cao và chi phí thấp - Ảnh: Business Week.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của một loạt hệ thống giao dịch chứng khoán điện tử mới được thành lập, những “đại gia” như LSE và Deutsche Borse đang gặp không ít khó khăn trong việc duy trì ngôi vị là những địa điểm hàng đầu ở châu Âu cho việc mua bán cổ phiếu.

 

Theo số liệu của Thomson Reuters, cách đây 2 năm, LSE chiếm 95% các giao dịch cổ phiếu hàng đầu ở Anh, nhưng tới tháng 7 vừa qua, con số này chỉ còn có 64%. Tại Frankfurt, Đức, sàn Deutsche Borse hùng mạnh cũng chứng kiến khối lượng giao dịch của mình giảm từ mức gần như độc quyền về 75% trong cùng kỳ. Theo dự báo của công ty tư vấn tài chính Celent, tới cuối năm sau, thị phần của hai sàn giao dịch này sẽ giảm xuống dưới mức 50%.

 

Đối thủ đáng gờm của các sàn giao dịch lớn này chính là những hệ thống giao dịch điện tử chi phí thấp, tương tự như các hệ thống phát triển mạnh ở Mỹ trong thập niên 1990.

 

Mặc dù không mở cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ, những hệ thống này rất được các nhà đầu tư tổ chức như các quỹ đầu cơ và các ngân hàng đầu tư ưu tiên sử dụng để giao dịch cổ phiếu với khối lượng lớn, mà thường là các cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất được niêm yết trên các sàn giao dịch lớn. Chẳng hạn, hơn 1/3 cổ phiếu của hãng viễn thông khổng lồ Vodafone của châu Âu hiện đang được giao dịch trên các hệ thống mới này. Việc sử dụng các hệ thống giao dịch điện tử giúp tránh được mức phí cao mà các sàn giao dịch lớn áp dụng.

 

Việc điều chỉnh quy định của Ủy ban châu Âu (EC) đã hỗ trợ tích cực cho các hệ thống giao dịch chứng khoán điện tử. Vào tháng 11/2007, khi giá cổ phiếu ở châu Âu lên gần đỉnh, EC đã thực hiện điều chỉnh quy chế giám sát, theo đó mở cửa các dịch vụ tài chính cho sự cạnh tranh trên toàn châu lục, cho phép các nhà môi giới chứng khoán tìm đến những hệ thống giao dịch có chi phí thấp nhất.

 

Tới thời điểm này, với sự phục hồi của thị trường, các sàn giao dịch lâu năm bắt đầu cảm thấy “sức nóng” từ các đối thủ mới. “Đây là một xu hướng không thể đảo ngược. Chúng tôi đang chiếm dần thị phần của các sàn cũ”, ông Mark Howarth, Giám đốc điều hành của hệ thống giao dịch điện tử Chi-X Euro. Hệ thống này đang là hệ thống giao dịch chứng khoán lớn thứ ba tại châu Âu, chỉ sau sàn LSE và sàn NYSE Euronext.

 

Chìa khóa thành công của những sàn giao dịch mới là tốc độ cao và chi phí thấp. Những sàn này xử lý các giao dịch nhanh hơn nhiều so với các đối thủ đã thành lập cách đây nhiều năm, trong khi chỉ sử dụng số nhân lực bằng 1/3 tính trên mỗi một triệu giao dịch. Do vậy, phí giao dịch tại những hệ thống điện tử này chỉ bằng chưa đầy 1/10 mức phí áp dụng tại các sàn lớn.

 

Để đáp trả các đối thủ mới, LSE, Deutsche Borse và NYSE Euronext đã đua nhau hạ phí ít nhất 25% mỗi sàn từ tháng 1 trở lại đây và đã bắt đầu áp dụng chế độ chiết khấu cho những nhà giao dịch với khối lượng lớn. Một số sàn thậm chí còn xây dựng hệ thống giao dịch chi phí thấp của riêng mình. Chẳng hạn, hệ thống Xetra International của sàn Deutsche Borse sẽ ra mắt vào tháng 11 tới tại 6 quốc gia.

 

Tuy nhiên, không ai cho rằng các sàn giao dịch chứng khoán lớn của châu Âu sẽ phải đóng cửa. Các nhà đầu tư ít kinh nghiệm vẫn giao dịch tại các sàn lớn. Thêm vào đó, doanh thu của các sàn này từ các nguồn khác như niêm yết cổ phiếu mới… sẽ tăng lên khi kinh tế phục hồi. Nhưng dù sao, những ngày tháng gần như độc quyền của những sàn này trên thị trường chứng khoán châu Âu đã dần đi vào hồi kết.


VNE (Business Week)

Tin cùng chuyên mục