Quỹ hưu trí Canada nhắm đích châu Á

(ĐTCK) CPP Investment Board (CPPPIB), một trong những quỹ hưu trí lớn nhất thế giới đang quản lý tiền hưu trí cho hơn 18 triệu người Canada, gần đây nói rằng, họ đang nhắm tới các nước châu Á tăng trưởng cao và thậm chí là cả những nước có mối liên kết với kinh tế châu Á.
Mark Wiseman Mark Wiseman

Cách đây 5 năm, Mark Wiseman, Chủ tịch kiêm CEO của CPPIB, đã chọn Hong Kong làm địa điểm mở văn phòng ngoài Canada đầu tiên của Quỹ thay vì New York hay London. Wiseman nói rằng, đó là vì niềm tin của Quỹ vào tương lai tăng trưởng của khu vực.

Trong tổng số tài sản 172,6 tỷ CAD (tương đương 168,8 tỷ USD) của Quỹ, đã có 6% đầu tư vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không kể khu vực Nhật Bản, tính đến thời điểm cuối tháng 12/2012. Tại Úc, thị trường đang được Quỹ quan tâm đặc biệt bởi mối liên kết khá mạnh với các nền kinh tế châu Á, tỷ trọng đầu tư hiện đang là 3,6%, tương đương với 6,2 tỷ CAD. Tại Nhật, Quỹ đã đầu tư 2,9% tỷ trọng danh mục, tương đương với 5,1 tỷ CAD.

Trong một buổi phỏng vấn gần đây với The Wall Street, Wiseman đã ví von rằng, một quý của CPPIB kéo dài 25 năm chứ không phải 90 ngày, để nói rằng, Quỹ đang lựa chọn những tài sản dài hạn thế nào để đầu tư và để kiếm ra nguồn lợi trả cho những thế hệ hưởng hưu trí sắp tới.

“Nếu bạn nhìn vào Bắc Mỹ ngày hôm nay, chỉ cần tăng trưởng 2 - 3% đã là một kết quả vượt trội. Ở châu Âu, thực tế mà nói, mọi sự tăng trưởng đều là tích cực. Nếu bạn nghiên cứu về quản trị của chúng tôi đối với Quỹ hưu trí Canada, bạn sẽ thấy chúng tôi cần tạo ra lợi nhuận dài hạn để có thể trả tiền hưu trí cho các thế hệ tiếp theo”, Wiseman nói, lý giải cho việc CPPIB đang gia tăng dần tỷ trọng đầu tư vào các nền kinh tế tăng trưởng, gồm cả đầu tư trực tiếp vào các nước như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ hay Trung Quốc lẫn đầu tư gián tiếp vào những nước như Úc.

Trong các nước châu Á, Wiseman đặc biệt tỏ ra tích cực với các nước Đông Nam Á như Indonesia hay Malaysia bởi tăng trưởng và nhân khẩu học của các thị trường này “rất hấp dẫn”. “Các thị trường này đang ngày càng trở nên quan trọng. Chúng tôi đến nay mới đầu tư rất ít vào Đông Nam Á nhưng đây đang là khu vực trong tầm ngắm của chúng tôi”, ông nói.

Một vài nước khác cũng nằm trong mối quan tâm của CPPIB nhưng có phần thấp hơn. Wiseman nói rằng, Quỹ vừa bổ nhiệm một tư vấn đặc biệt ở Ấn Độ và không có một ngày nào mà người của Quỹ không hiện diện ở Mumbai, Dehli, Bangalore hay Chennai để tìm kiếm cơ hội. Nhưng Wiseman nói rằng, Ấn Độ là một nơi khó làm ăn, vì những lý do kiểu như thiếu phương tiện tiếp cận thị trường tài chính.

Ông nhận xét, mặc dù Ấn Độ là một đất nước dân chủ, nhưng không có gì đảm bảo rằng, chính quyền bang, địa phương và các vùng ngoại ô sẽ không thêm thắt các thủ tục riêng của khu vực ngoài các quy tắc đúng theo văn bản luật của cả nước. Wiseman nói rằng, đến nay, khoản đầu tư của Quỹ vào Ấn Độ vẫn gần như bằng 0, và dù sẽ có sự gia tăng theo thời gian “nhưng không phải bây giờ”.

Nói về Nhật, vị CEO nhấn mạnh rằng, đây vẫn là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và khen ngợi Nhật có một thị trường đại chúng phát triển rất mạnh về chiều sâu, được nghiên cứu khoa học, rất thanh khoản và được quản lý rất tốt, chỉ có điều, không còn nhiều cơ hội cho Quỹ ở đó.

Tuy vậy, việc tiến công châu Á trong mắt các nhà đầu tư phương Tây không hề đơn giản. Wiseman thừa nhận rằng, sẽ là sai lầm lớn nếu nhìn châu Á như một khu vực thuần nhất mà quên đi sự phân hóa mạnh mẽ về cả pháp lý, môi trường chính trị, văn hóa và nền tảng kinh tế của khu vực này. Đến nay, CPPIB đang có trên 900 nhân viên - một con số nghe có vẻ lớn nhưng vẫn là thiếu so với chiến lược mở rộng loại hình, quy mô địa lý và so với quy mô tài sản của Quỹ.

Trong chiến lược đó, vị CEO quỹ Canada nói rằng, ông đặc biệt đi tìm những đối tác địa phương dài hạn, những đối tác không phải chỉ trong một giao dịch riêng lẻ rồi kết thúc quan hệ như một trò chơi, mà là một đối tác gắn bó trong thời gian dài dưới một ý niệm là hai bên sẽ thực hiện nhiều thương vụ với nhau hơn theo thời gian.

“Việc không có được hiểu biết địa phương và một đối tác địa phương thích hợp là cực kỳ nguy hiểm xét trên khía cạnh đầu tư”, Wiseman chia sẻ về chiến lược thâm nhập châu Á của ông. “Chúng tôi biết chúng tôi tốt nhất nên đầu tư cùng với các đối tác dài hạn, mẫn cán và thuộc ngành tài chính”.       


Quang Minh (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục