Phố Wall bình lặng đợi bảng lương phi nông nghiệp

(ĐTCK) Phố Wall có thay đổi nhẹ trong phiên giao dịch thứ Năm đề chờ đợi bảng lương phi nông nghiệp, trong khi giá dầu xuống mức thấp nhất 8 tháng.
Phố Wall bình lặng đợi bảng lương phi nông nghiệp
Các nhà đầu tư đang chờ đợi bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu, ngày 10/1. Đây là dữ liệu quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của FED về gói QE3. Nếu bảng lương phi nông nghiệp tích cực, nhiều khả năng FED sẽ cắt giảm thêm gói QE3 và tiến tới chấm dứt gói kích thích kinh tế này trong năm 2014.

Theo dự đoán của giới phân tích, bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 12 sẽ có thêm 196.000 việc làm, thấp hơn con số 203.000 của tháng 11, nhưng cao hơn mức trung bình 188.545 việc làm của 11 tháng năm 2013.

Trong tháng này, FED sẽ bắt đầu cắt giảm bớt gói kích thích kinh tế này từ 85 tỷ USD/tháng xuống 75 tỷ USD/tháng. Trong văn bản cuộc họp ngày 17-18/12/2013 của FED, nhiều thành viên của cơ quan này đều có thái độ thận trọng về việc duy trì gói QE3, cũng như triển khai thêm gói kích thích mới khi kết thúc gói QE3.

Chính lo ngại về tương lai của gói QE3, nên các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng, khiến Phố Wall chủ yếu dao động dưới mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch ngày 9/1 và chỉ hồi nhẹ vào cuối phiên để hãm bớt đà giảm.

Kết thúc phiên 9/1, Dow Jones giảm 17,98 điểm (-0,11%), xuống 16.444,76 điểm. Chỉ số S&P500 tăng 0,64 điểm (+0,03%), lên 1.838,13 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 9,42 điểm (-0,23%), xuống 4.156,19 điểm.

Phố Wall giảm điểm còn do cổ phiếu ngành bán lẻ khi các đại gia trong lĩnh vực này đều dự báo kết quả kinh doanh không khả quan ngay trong mùa mua sắm.

Chứng khoán châu Âu dù tăng khá đẹp đầu phiên, nhưng sau khi thông tin vấn đề nợ của Pháp chạm đến mức “nguy hiểm”, các thị trường chứng khoán của khu vực này đã đồng loạt lao mạnh cuối phiên. Trong khi đó, trong cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Chủ tịch Draghi tiếp tục lặp lại những phát ngôn cũ “ECB sẽ tiếp tục hành động nếu cần thiết”.

Kết thúc phiên 9/1, chỉ số FTSE100 tại Anh giảm 30,44 điểm (-0,45%), xuống 6.691,34 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 76,23 điểm (-0,80%), xuống 9.421,61 điểm. Chỉ số 35,82 điểm (-0,84%), xuống 4.225,14 điểm. Tính từ đầu năm, chứng khoán Đức giảm 1,4%, chứng khoán Pháp giảm 1,6%.

Chứng khoán châu Á tiếp tục có phiên giảm mạnh khi giá sản xuất của Trung Quốc có đợt giảm dài nhất kể từ những năm 1990. Chỉ số PPI giảm 1,4% trong tháng 12/2013, ghi nhận tháng giảm thứ 22 liên tiếp, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này suy yếu trong tháng trước.

Kết thúc phiên 9/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 241,12 điểm (-1,5%), xuống 18.880,33 điểm. Chỉ số HangSeng Index tại Hồng Kông giảm 209,26 điểm (-0,91%), xuống 22.787,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 16,72 điểm (-0,82%), xuống 2.027,62 điểm.

Trong phiên cuối tuần, chứng khoán châu Á sẽ tập trung vào kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Theo dự đoán, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 4,9%, trong khi nhập khẩu tăng 5,3% trong tháng trước.

Trên thị trường hàng hóa, giá vàng vẫn trong xu thế đi ngang và nhích nhẹ trở lại trong phiên 9/1. Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 1,8 USD, lên 1.227,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 tăng 3,9 USD (+0,32%), lên 1.229,4 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng trong phiên 9/1, đứng ở mức 91,66 USD/thùng, giảm 0,67 USD (-0,73%). Giá dầu Brent giảm 0,76 USD (-0,71%), xuống 106,39 USD/thùng.

Tin cùng chuyên mục