Phía sau làn sóng giảm giá tiền tệ

(ĐTCK) Đồng tiền của các thị trường mới nổi đang trải qua những ngày bị bán ra mạnh nhất trong vòng một thập kỷ qua. Tình trạng này bắt đầu tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp. Vậy điều gì dẫn đến hiện tượng trên và các nước phản ứng ra sao?
Phía sau làn sóng giảm giá tiền tệ

Ngân hàng Standard Chartered vừa trở thành tổ chức mới nhất đưa ra cảnh báo về ảnh hưởng của việc giảm giá mạnh các đồng tiền ở các thị trường mới nổi. Hôm thứ Tư, ngân hàng này cho biết, mức tăng trưởng thu nhập và lợi nhuận trước thuế toàn cầu sẽ giảm xuống dưới 10% trong 6 tháng đầu năm, do kinh tế châu Á chậm lại và các đồng tiền châu Á rớt giá so với đồng USD, đặc biệt là đồng rupee của Ấn Độ.

Thông báo của StanChart đến sau khi Procter & Gamble, tập đoàn về hàng hoá tiêu dùng và Philip Morris International, nhà sản xuất thuốc lá, cảnh báo về tác động từ những dao động đi xuống của các đồng tiền nói trên.

Đồng rupee và đồng rouble của Nga đã giảm giá gần 11% trong quý II/2012, trong khi đồng real của Brazil giảm 12%. Các đồng tiền khác giảm ít hơn nhưng cũng rất đáng lưu ý: đồng crown của Séc giảm 10%, đồng rand của Nam Phi giảm 9,3%, zloty của Ba Lan giảm 8,6% và peso của Mê-hi-cô giảm 6,8%. Theo dữ liệu của Bloomberg, các đồng tiền trên đã có một quý II/2012 giảm giá mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Việc 3 trong số 4 nền kinh tế mới nổi thuộc nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đang dẫn đầu nhóm giảm giá đồng tiền là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, bởi đây đều là những nền kinh tế lớn trong các thị trường mới nổi và đã có đóng góp nhiều nhất cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế kể từ năm 2008.

Ngay cả nền kinh tế lớn nhất nhóm BRIC là Trung Quốc cũng đã giãn những nỗ lực tăng giá đồng nhân dân tệ, khi cho phép đồng tiền này giảm giá trong 3 tháng qua, dù chỉ 1%.

Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng giảm giá của các đồng tiền nói trên là việc các nhà đầu tư chạy đến với đồng USD nhằm trốn khỏi cuộc khủng hoảng đồng euro. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là Nga, cũng bị tác động bởi hiện tượng giảm giá kim loại và năng lượng.

Tuy nhiên, cũng có những lo ngại (đang tăng lên) rằng, có lẽ thời kỳ tăng trưởng siêu nhanh của các nền kinh tế mới nổi đã qua đi. Các nhà đầu tư dường như đã ấn định rằng, Trung Quốc và các nước BRIC khác không thể khởi động lại nền kinh tế toàn cầu như đã từng làm sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers hồi năm 2008.

“Tôi cho rằng, mọi người đang có suy nghĩ khác về vai trò của tất cả các nước trong nhóm BRIC”, David Bloom, chiến lược gia trưởng về giao dịch ngoại hối của HSBC nhận định.

Một điểm đáng chú ý là, mức độ giảm giá của các đồng tiền Brazil, Nga và Ấn Độ lớn hơn các đồng tiền khác vốn vẫn mất giá mạnh nhất, như Mê-hi-cô, Nam Phi và Ba Lan. Điều này một phần do các nền kinh tế lớn hơn có đồng tiền thanh khoản hơn, nên dễ bán tháo hơn; phần khác do các nhà đầu tư từng kỳ vọng quá cao vào các nước BRIC.

Với vòng xoáy nghi ngờ sâu sắc như vậy xung quanh các thị trường mới nổi, không thể biết được xu hướng chuyển dịch đồng tiền sẽ kéo dài trong bao lâu. Trong khi mọi người vẫn cho rằng các thị trường mới nổi sẽ tăng trưởng nhanh hơn thế giới phát triển trong một thời gian dài nữa, điều đó có thể trở nên khó khăn trong vài tháng hoặc vài năm tới.

“Mọi người đang nhìn vào các thị trường mới nổi và nói rằng, chu´ng đang chuyển xuống vị thế thấp hơn. Vì vậy, các thị trường đang cố gắng định giá vị thế thấp hơn đó”, Sébastien Barbé, phụ trách giao dịch ngoại hối ở Crédit Agricole nói.

Chẳng hạn, với Trung Quốc, vị thế thấp hơn có thể là việc tăng trưởng GDP hàng năm của nước này chỉ còn 7%, chứ không phải 10% như trước đây. Với các nước nhỏ hơn, như Thái Lan, đó có thể là kinh tế bất ổn hơn, cũng như tăng trưởng chậm hơn. Ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi, môi trường tài chính sẽ chứa đựng nhiều rủi ro hơn, gây lo lắng cho các nhà đầu tư.

Một số chính sách gia ở các thị trường mới nổi, những người cho đến gần đây vẫn còn hoan hỉ khi chứng kiến đồng tiền của mình giảm giá, nhờ đó mà tạo điều kiện cho kinh tế phục hồi, giờ đang phải cố kìm lại đà trượt giá đó. Brazil là một ví dụ. Trong tháng 6, nước này đã giảm thuế đánh trên các khoản vay nước ngoài. Ấn Độ trong tháng trước đã giảm mức thu nhập từ nước ngoài mà các công ty có thể giữ lại ở hải ngoại, để khuyến khích họ chuyển các quỹ về nước, và trong tháng này đã nâng mức trần của đầu tư nước ngoài vào trái phiếu chính phủ. Brazil, Nga và Ấn Độ đều đã can thiệp vào các thị trường để hỗ trợ đồng tiền của họ.

Với những đồng tiền đang giảm giá, một bộ phận nhà đầu tư đang có thiên hướng rời bỏ chúng, đặc biệt là tại Nga, nơi các làn sóng thoái vốn luôn là một thách thức. 5 tháng đầu năm nay, lượng vốn rút ròng khỏi nước này đã là 46,5 tỷ USD, vượt quá bán của số 80 tỷ USD năm 2011.

Và khi các dòng vốn nước ngoài thoái khỏi các thị trường mới nổi, các hoạt động kinh tế trong nước phụ thuộc vào dòng vốn này sẽ bị tác động mạnh. Điều đó cho những người làm chính sách ở các thị trường mới nổi thêm một lý do để… đứng ngồi không yên.


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục