Ông Trump cảnh báo Triều Tiên, phố Wall sợ hãi

(ĐTCK) Cảnh báo của Tổng thống Mỹ đối với Triều Tiên đã khiến giới đầu tư phố Wall sợ hãi và đẩy các chỉ số chính quay đầu giảm điểm, trong đó Dow Jones chấm dứt chuỗi 9 ngày thiết lập đỉnh liên tiếp.
Ông Trump cảnh báo Triều Tiên, phố Wall sợ hãi

Ngày 8/8, CNN dẫn lại lời Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: "Triều Tiên tốt nhất không nên có thêm đe doạ nào nữa với Mỹ. Họ sẽ vấp phải hoả lực, cơn thịnh nộ và sức mạnh mà thế giới chưa từng thấy".

Tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Mỹ được đưa ra sau khi Washington Post dẫn tình báo nước này đánh giá Triều Tiên đã sản xuất được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ. Tuy nhiên Mỹ cho rằng Triều Tiên chưa thử loại vũ khí mới này.

Sau tuyên bố cứng rắn của ông Trump với Triều Tiên, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán sợ hãi, khiến phố Wall đảo chiều giảm điểm từ đỉnh cao lịch sử. Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall đóng cửa ở mức cao nhất gần 1 tháng.

Kết thúc phiên 8/8, chỉ số Dow Jones giảm 33,08 điểm (-0,15%), xuống 22.085,34 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,99 điểm (-0,24%), xuống 2.474,92 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 13,31 điểm (-0,21%), xuống 6.370,46 điểm.

Trong khi đó, trái ngược với phố Wall, chứng khoán châu Âu lại đồng loạt tăng điểm trong phiên thứ Ba nhờ nhóm cổ phiếu tiện ích, điện, ô tô và năng lượng sau kết quả kinh doanh khả quan, bù đắp cho đà lao dốc của cổ phiếu hãng trang sức Pandora sau kết quả kinh doanh quý II thất vọng.

Theo số liệu của Thomson Reuters, trong số 70% công ty trong rổ MSCI thuộc khu vực châu Âu của MSCI đã công bố kết quả kinh doanh có lợi nhuận tăng trưởng 17%. Trong khi đó, số doanh nghiệp có lợi nhuận vượt qua mức kỳ vọng là 55%.

Kết thúc phiên 8/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 10,79 điểm (+0,14%), lên 7.542,73 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 34,88 điểm (+0,28%), lên 12.292,05 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 11,00 điểm (+0,21%), lên 5.218,89 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á lại có sự trái chiều. Trong khi chứng khoán Nhật Bản nhanh chóng quay đầu giảm điểm sau khi đồng yên mạnh lên so với đồng USD, thì chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục vẫn duy trì sắc xanh. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số công ty vừa công bố, còn chứng khoán Trung Quốc đại lục chỉ tăng nhẹ khi giới đầu tư thận trọng tiếp nhận các thông tin kinh tế tháng 7 đang được công bố.

Kết thúc phiên 8/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 59,88 điểm (-0,30%), xuống 19.996,01 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 164,55 điểm (+0,59%), lên 27.854,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,42 điểm (+0,07%), lên 3.281,87 điểm.

Thị trường vàng lại có phiên giao dịch đầy biến động hôm thứ Ba. Lình xình trong phiên giao dịch châu Á, giá vàng tăng vọt trong phiên châu Âu, nhưng lao dốc mạnh trong nửa đầu phiên giao dịch Mỹ do đồng USD tăng với dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất, thực hiện kế hoạch giảm lượng nắm giữ trái chiếu sau dữ liệu việc làm khả quan được công bố cuối tuần trước. Tuy nhiên, về cuối phiên, giá kim loại quý này đã tăng vọt trở lại sau khi ông Trump đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ đối với Triều Tiên.

Kết thúc phiên 8/8, giá vàng giao ngay tăng 3,4 USD/ounce (+0,27%), lên 1.260,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 1,8 USD/ounce (-0,14%), xuống 1.256,4 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục giảm giá ngày thứ 2 liên tiếp khi giới đầu tư nghi ngờ về khả năng cắt giảm sản lượng của OPEC. Cùng với đó, đồng USD đang ở mức cao cũng gây áp lực với các loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có dầu thô.

Tuy nhiên, đà giảm không quá mạnh khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cắt giảm dự báo tăng sản lượng sản xuất của Mỹ trong năm 2018.

Kết thúc phiên 8/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,22 USD/thùng (-0,45%), xuống 49,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,23 USD (-0,44%), xuống 52,14 USD/thùng. 

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục