Nỗi lo vẫn chưa qua với giới đầu tư

(ĐTCK) Chứng khoán hồi phục trở lại nhưng đà tăng bị chặn lại trong phiên thứ Năm (28/3) khi dữ liệu kinh tế Mỹ mới công bố làm gia tăng thêm nỗi lo tăng trưởng kinh tế.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Phố Wall hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm khi nhà đầu tư kỳ vọng vào cuộc đàm phán thương mại mới nhất của Mỹ và Trung Quốc, cũng như lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng từ mức thấp nhất 15 tháng.

Tuy nhiên, đà tăng sau đó bị hãm bớt sau dữ liệu kinh tế công bố thấp hơn dự báo. Cụ thể, theo dữ liệu vừa công bố, GDP trong quý IV/2018 của Mỹ tăng 2,2%, thấp hơn con số ước tính 2,6% trước đó. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn vững chắc khi con số thất nghiệp tiếp tục sụt giảm trong tuần gần nhất.

Kết thúc phiên 28/3, chỉ số Dow Jones tăng 91,87 điểm (+0,36%), lên 25.717,46 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,10 điểm (+0,36%), lên 2.815,44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 25,79 điểm (+0,34%), lên 7.669,17 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm, nhưng sau đó quay đầu khi dữ liệu GDP của Mỹ được công bố làm gia tăng mối lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh cũng tác động tiêu cực lên chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên 28/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 40,14 điểm (+0,56%), lên 7.234,33 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 9,12 điểm (+0,08%), lên 11.428,16 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 4,69 điểm (-0,09%), xuống 5.296,54 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, phiên giảm điểm tối hôm trước của phố Wall, cùng lo ngại về suy thoái kinh tế khiến chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh, chứng khoán Trung Quốc cũng quay đầu, trong khi chứng khoán Hồng Kông may mắn quay đầu để chốt phiên với sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên 28/3, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 344,97 điểm (-1,61%), xuống 21.033,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 27,78 điểm (-0,92%), xuống 2.994,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 46,96 điểm (+0,16%), lên 28.775,21 điểm.

Dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố khiến đồng USD tăng mạnh, qua đó kéo giá vàng lao dốc trong phiên thứ Năm, phiên giảm thứ 3 liên tiếp.

Kết thúc phiên 28/3, giá vàng giao ngay giảm 19,4 USD (-1,48%), xuống 1.289,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 20,6 USD (-1,57%), xuống 1.289,8 USD/ounce.

Dù dữ liệu kinh tế Mỹ kém khả quan và nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu lên cao, nhưng giá dầu thô vẫn tăng nhẹ trong phiên thứ Năm sau thông tin Mỹ yêu cầu nhiều nước ngừng nhập khẩu dầu từ Venezuela.

Kết thúc phiên 28/3, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,28 USD (+0,47%), lên 59,58 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,27 USD (+0,40%), lên 67,37 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục