Nỗi lo giảm bớt, nhà đầu tư hưng phấn với kết quả kinh doanh

(ĐTCK) Trong khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm trở lại, thì kết quả kinh doanh của các công ty công nghệ lại rất khả quan, giúp chứng khoán Âu, Mỹ khởi sắc trong phiên thứ Năm.
Nỗi lo giảm bớt, nhà đầu tư hưng phấn với kết quả kinh doanh

Sau khi giằng co nhẹ trong phiên thứ Tư do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh khả quan bị cản trở bởi nỗi lo lãi suất trái phiếu tăng mạnh, các chỉ số chính của phố Wall đã đồng loạt khởi sắc trong phiên thứ Năm nhờ kết quả kinh doanh khả quan của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Cổ phiếu Facebook tăng 9,1%, cổ phiếu Chipmakers Advanced Micro Devices Inc và Qualcomm Inc cũng tăng lần lượt 13,7% và 1,4%.

Ngoài ra, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng đã giảm trở lại xuống dưới 3% sau khi lên trên mức này lần đầu tiên kể từ tháng 1/2014 trong phiên trước đó, giúp làm giảm bớt nỗi lo của nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 26/4, chỉ số Dow Jones tăng 238,51 điểm (+0,99%), lên 24.322,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 27,54 điểm (+1,04%), lên 2.666,94 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 114,94 điểm (+1,64%), lên 7.118,68 điểm.

Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Âu, kết quả kinh doanh ấn tượng của nhóm cổ phiếu công nghệ cũng giúp các chỉ số chính của khu vực tăng điểm trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, đà tăng sau đó có phần bị chững lại do kết quả kinh doanh kém khả quan của Lufthansa và Kion của Đức.

Kết thúc phiên 26/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 42,11 điểm (+0,57%), lên 7.421,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 78,17 điểm (+0,63%), lên 12.500,47 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 40,29 điểm (+0,74%), lên 5.453,58 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tăng trở lại nhờ sự phục hồi nhóm cổ phiếu công nghệ sau 2 phiên bị bán mạnh trước đó, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lại giảm mạnh cũng do nhóm cổ phiếu công nghệ khi bị bán tháo sau thông tin Mỹ điều tra đại gia công nghệ Hawei của Trung Quốc.

Kết thúc phiên 26/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 104,29 điểm (+0,47%),lên 22.319,61  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 320,47 điểm (-1,06%), xuống 30.007,68 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 42,94 điểm (-1,38%), xuống 3.075,03 điểm.

Hết nỗi lo lạm phát, cùng với việc chứng khoán khởi sắc và đồng USD tiếp tục tăng vọt, giá vàng tiếp tục có phiên giảm khá mạnh tiếp theo trong ngày thứ Năm, xuống mức thấp nhất gần 5 tuần.

Kết thúc phiên 26/4, giá vàng giao ngay giảm 6,3 USD/ounce (-0,48%), xuống 1.316,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 4,9 USD/ounce (-0,37%), xuống 1.317,9 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục duy trì được đà tăng nhờ dữ liệu về hàng tồn kho tăng của Mỹ được công bố trước đó và lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Venezuela, căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Tuy nhiên, đà tăng không mạnh do chịu tác động ngược lại từ đà tăng của đồng USD.

Kết thúc phiên 26/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,14 USD (+0,21%), lên 68,19 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,74 USD (+0,99%), lên 74,74 USD/thùng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục