Nỗi lo chiến tranh đi qua, giới đầu tư thở phào

(ĐTCK) Sau nỗi lo sợ phiên đầu tuần khi các nhà máy dầu của Ả Rập Xê út bị tấn công, giới đầu tư đã thở phào nhẹ nhõm trong phiên thứ Ba (17/9) khi Tổng thống Trump tuyên bố không muốn xung đột với Iran.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Trong phiên thứ Hai (16/9) với nỗi lo chiến tranh vùng Vịnh nỗ ra sau khi 2 nhà máy dầu của Ả Rập Xê út bị tấn công và Mỹ đổ trách nhiệm cho Iran đứng sau các cuộc tấn công này, làm gia tăng thêm căng thẳng giữa 2 nước. Ngoài ra, các vụ tấn công này làm giảm đi một nửa sản lượng xuất khẩu của quốc gia này, tạo cú sốc cho thị trường dầu mỏ thế giới. Nhiều nhà đầu tư lo sợ giá dầu thô sẽ lên tới 100 USD/thùng, tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế như hơn chục năm trước.

Tuy nhiên, trong phiên thứ Ba, nỗi lo đã phần nào vơi đi khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Mỹ muốn tránh xung đột với Iran, trong khi Ả Rập Xê út cho biết, sẽ khôi phục lại sản xuất vào cuối tháng 9, ít hơn rất nhiều so với dự đoán mất vài tháng của giới phân tích.

Dù hồi phục trở lại, nhưng mức tăng của các chỉ số chính phố Wall không mạnh khi nhóm cổ phiếu năng lượng hạ nhiệt theo giá dầu, trong khi giới đầu tư cũng thận trọng chờ đợi cuộc họp kéo dài 2 ngày của Fed bắt đầu từ thứ Ba.

Trong ngày họp đầu tiên, Fed cho biết, sản lượng sản xuất của Mỹ trong tháng 8 tăng 0,5% sau khi giảm 0,4% trong tháng 7, cao hơn so với mức dự báo tăng 0,2% của các nhà kinh tế.

Tuy nhiên, sản xuất tại các nhà máy của Mỹ trong tháng 8 lại giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất, chiếm khoảng 11% nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn do cuộc chiến thương mại.

Kết thúc phiên 17/9, chỉ số Dow Jones tăng 33,98 điểm (+0,13%), lên 27.110,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,74 điểm (+0,26%), lên 3.005,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 32,47 điểm (+0,40%), lên 8.186,02 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng nỗ lực hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba khi nỗi lo chiến tranh đi qua, nhưng cuối cùng chứng khoán Anh và Đức không giữ được sắc xanh khi nhóm cổ phiếu năng lượng hạ nhiệt theo giá dầu thô. Ngoài ra, giới đầu tư thận trọng chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed.

Kết thúc phiên 17/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 1,01 điểm (-0,1%), xuống 7.320,40 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 7,70 điểm (-0,06%), xuống 12.372,61 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 13,29 điểm (+0,24%), lên 5.615,51 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu dầu khí tăng theo giá dầu thô, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lại giảm mạnh. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc giảm khi giới đầu tư thất vọng với việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) không hạ lãi suất như dự báo, còn chứng khoán Hồng Kông giảm do thành phố bị Moody’s hạ bậc tín nhiệm từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.

Kết thúc phiên 17/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 13,03 điểm (+0,06%), lên 22.001,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 52,64 điểm (-1,74%), xuống 2.978,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 334,31 điểm (-1,23%), xuống 26.790,24 điểm.

Giá vàng chỉ lình xình trong phiên giao dịch thứ Ba khi vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý này giảm bớt sau khi Tổng thống Trump cho biết không muốn xung đột với Iran.

Kết thúc phiên 17/9, giá vàng giao ngay tăng 3 USD (+0,2%), lên 1.500,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 1,9 USD (+0,13%), lên 1.513,4 USD/ounce.

Trong khi đó, sau phiên tăng mạnh nhất lịch sử đầu tuần do các vụ tấn công mỏ dầu của Ả Rập Xê út cuối tuần trước, giá dầu thô đã quay đầu giảm mạnh khoảng 6% trong phiên thứ Ba, trả lại phân nửa những gì đã có trong phiên trước đó sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê út cho biết, nước này sẽ khôi phục lại sản xuất vào cuối tháng 9, nhanh hơn dự đoán là mất vài tháng của giới phân tích.

Kết thúc phiên 17/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 3,56 USD (-5,66%), xuống 59,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 4,47 USD (-6,48%), xuống 64,55 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục