Nỗ lực kiểm soát ngân hàng “ngầm” của Trung Quốc

(ĐTCK) Chính phủ Trung Quốc đã và đang vật lộn để có thể kiểm soát các ngân hàng “ngầm” (shadow banks) trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, phải đến khi thị trường chứng khoán Đại lục chao đảo trong thời gian gần đây, cùng với những biện pháp mạnh tay của Chính phủ, một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất tại quốc gia này mới có dấu hiệu bị kiềm chế.
Nỗ lực kiểm soát ngân hàng “ngầm” của Trung Quốc

Theo định nghĩa của Investopia, shadow banks là hệ thống các trung gian tài chính gắn với hoạt động tín dụng tại hệ thống tài chính, nhưng không chịu sự giám sát của cơ quan quản lý. Hệ thống này gồm các quỹ đầu cơ, các sản phẩm tài chính phái sinh không được công bố, các tổ chức/cá nhân thực hiện hoạt động cho vay,…

Theo Hãng nghiên cứu Yingcan Group, số tiền các tổ chức/cá nhân cho vay qua internet để mua bán chứng khoán đã tăng hơn gấp 3 lần, lên mức 8 tỷ USD trong quý II/2015. Sau khi giới chức Đại lục ban hành lệnh cấm việc mua bán chứng khoán từ các nguồn này, các khoản nợ từ các nguồn trên để mua bán chứng khoán đã giảm 61% trong tháng Bảy, so với mức đỉnh vào tháng Sáu.

Thị trường cho vay qua mạng tại Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ theo đà tăng tốc của thị trường chứng khoán Đại lục kể từ cuối năm 2014 cho tới đầu tháng 6/2015. Một trong những công ty tiên phong trong mạng lưới cho vay qua mạng tại Mỹ là LendingClub Corp. Tuy nhiên, Trung Quốc mới chính là thiên đường thực sự để LendingClub “cất cánh”. Tổng các khoản tiền cho vay tại Trung Quốc trong năm 2014 của Công ty vào khoảng 41 tỷ USD và sẽ vượt qua mức 332 tỷ USD vào năm 2017, theo dự báo của Maybank Kim Eng Securities Pte. Con số này chỉ là 6 tỷ USD tại Mỹ năm 2014.

Sau khi xảy ra biến cố khiến hơn 4.000 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã áp dụng nhiều biện pháp kiềm chế các loại hình cho vay truyền thống không thể điều tiết được, chẳng hạn như cho vay tín chấp, cho vay qua mạng. Đây là nỗ lực của ông nhằm tách nền kinh tế khỏi những món nợ không ngừng tăng trưởng.

“Các chính sách mới khiến cho nền kinh tế Trung Quốc trở nên có tính kỷ luật và trong sạch hơn. Có thể có những tổn thất trong ngắn hạn đối với một số thành viên tham gia thị trường, nhưng điều này sẽ tốt cho nền kinh tế trong dài hạn”, Wei Hou, chuyên gia quản lý quỹ cấp cao tại Ngân hàng Sanford C. Bernstein & Co cho biết.

Mới đây, Uỷ ban Chứng khoán quốc gia Trung Quốc cho biết, họ sẽ tạm dừng hoạt động của tất cả các trang online cho vay để giao dịch cổ phiếu. Các công ty dịch vụ tài chính trên mạng cần có sự cho phép của cơ quan tài chính cũng như cơ quan quản lý không gian điện tử để có thể hoạt động.

Zhongxin Quick Loans, một tổ chức cho các công ty và cá nhân vay tiền tại Tỉnh Giang tô cho biết, họ đã phải thanh toán hết các khoản cho vay và nợ, bởi vì người vay không thể trả tiền, trong khi các nhà đầu tư đòi rút vốn. “Giới chức Trung Quốc nhận ra rằng, thị trường tài chính đang phải đối mặt với quá nhiều nguy cơ. Các công ty cho vay thông qua mạng, vốn đang tập trung vào thị trường chứng khoán, sẽ phải thay đổi mục tiêu sang các thị trường nhỏ hơn”, Zhu Mingchun, người sáng lập Yingcan Group tại Thượng Hải cho biết.

Tại Trung Quốc, các ngân hàng có vốn của nhà nước bị giới hạn bởi lãi suất cho vay và áp lực phải cho các DN nhà nước lớn vay vốn, điều này khiến mở rộng thêm quy mô của các dòng tiền mờ. Theo Moody’s Investors Service ước tính, các khoản nợ này đạt khoảng 41 nghìn tỷ nhân dân tệ vào cuối năm 2014.

Các shadow banks trong nền kinh tế có thể là kênh hữu ích để đổ vốn vào các lĩnh vực kinh doanh hiệu quả, tuy nhiên, khi sự tăng trưởng mạnh của loại hình tài chính này gắn chặt với thị trường trường khoán, nhà chức trách sẽ rất khó để quản lý được các rủi ro, Stephen Schwartz, phó chủ tịch bộ phận chính sách tín dụng tại Mood’s cho biết. Tuy nhiên, “sẽ luôn có những hình thức mới nảy sinh khi giới chức mạnh tay khống chế”, Schwartz nói thêm.

Shadow banks tại Trung Quốc chuyển sang hoạt động mạnh qua Internet khi thị trường bất động sản trong nước hoạt động trì trệ và cần ít tiền mặt hơn. Những người kinh doanh cho vay với chính quyền địa phương cũng chịu thiệt hại khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát hành trái phiếu thị chính, khiến chính quyền các địa phương tìm đến loại hình này thay vì tìm tới các dịch vụ tài chính.

“Nhu cầu tiền tệ của lĩnh vực bất động sản và các chính quyền địa phương đã giảm xuống. Thời kỳ hoàng kim của các shadow banks với lợi nhuận cao, rủi ro thấp đã qua”, Liao Qiang, chuyên gia lĩnh vực ngân hàng của Standard & Poor tại Bắc Kinh cho biết.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục