Niềm vui từ Fed không kéo dài

(ĐTCK) Lần đầu tiên trong lịch sử, Fed mua trái phiếu doanh nghiệp và đây là quyết định gây tranh cãi.
Niềm vui từ Fed không kéo dài

Trong phiên đầu tuần, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bất ngờ “cứu nguy” cho thị trường chứng khoán bằng việc công bố chương trình mua vào trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong đánh giá của các nhà kinh tế, hành động này là không cần thiết, thậm chí nguy hại trong thời gian tới, bất chấp việc niềm vui hiện tại là có thật.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Fed tiến hành mua lại trái phiếu doanh nghiệp, động thái mới nằm trong phạm vi chương trình hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp với quy mô khoảng 250 tỷ USD. Trước đó, cơ quan này cũng tiến hành mua vào các chứng chỉ quỹ ETF tại thị trường thứ cấp với giá trị đạt 5,5 tỷ USD.

Sở dĩ hành động này gây bất ngờ bởi thị trường trái phiếu vẫn đang hoạt động khá “mượt mà”, một phần nhờ sự can thiệp trước đó của Fed.

Thực tế, đại dịch Covid-19 tác động tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có Ford Motor Corp, Kraft Heinz Co, Macy’s Inc… khiến trái phiếu các công ty này phát hành bị tụt hạng, thậm chí rơi vào trái phiếu rác (junk bond).

Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp rơi xuống mức 2,23%/năm, gần sát mốc 2,22%/năm vào ngày 6/3 - mức thấp nhất kể từ năm 1972 khi Bloomberg Barclays ghi nhận dữ liệu.

Niềm vui từ Fed không kéo dài ảnh 1

Với tình hình này, việc Fed can thiệp mạnh hơn vào thị trường dường như hợp lý. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn, thị trường trái phiếu vẫn đang vận hành ổn định theo quy luật cung - cầu.

Trước hết, trong quý I, lãi suất trái phiếu xuống thấp bởi nó bao gồm quãng thời gian thị trường đóng cửa vì dịch bệnh.  Bên cạnh đó, con số hiện tại thậm chí vẫn tốt hơn mọi cuộc khủng hoảng mà nền kinh tế từng trải qua, cao hơn thời điểm khủng hoảng 2008, cao hơn thời điểm các đại dịch khác từng xảy ra và tương đương thời kỳ Tổng thống Obama còn đương nhiệm.

Trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp chỉ vay nợ được khoảng 479 tỷ USD qua kênh trái phiếu, theo số liệu của Bloomberg. Tuy nhiên, trong tháng 4 và tháng 5, con số này đã đạt hơn 528 tỷ USD. Trái phiếu của các doanh nghiệp bắt đầu vào guồng quay hoạt động như Delta Air Lines Inc, Royal Caribbean Cruises Ltd… củng cố lại sức hấp dẫn.

Chưa cần sức mua từ Fed, nhóm nhà đầu tư cá nhân đã sẵn sàng gia nhập thị trường trái phiếu, rót hơn 14,6 tỷ USD vào các quỹ có hoạt động tập trung tại thị trường này trong tuần kết thúc vào ngày 10/6. Ðây là con số cao thứ 2 trong lịch sử, chỉ sau mức 15,6 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 3/6, theo số liệu từ Refinitiv Lipper.

Theo báo cáo mới nhất của Fed, các khoản nợ doanh nghiệp Mỹ, bao gồm nợ ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp, đã gia tăng trong quý I/2020 ở tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1952.

Cụ thể, các doanh nghiệp chất thêm 754,8 tỷ USD vào “núi” nợ hơn 16.800 tỷ USD tích lũy cho tới cuối quý I/2020. Theo giới quan sát, đây là lý do Fed lựa chọn can thiệp, ngay cả khi thị trường đang làm tốt, thậm chí quá tốt như hiện nay, trong bối cảnh đại dịch bùng nổ trên toàn cầu và rủi ro làn sóng lây nhiễm thứ hai cận kề.

Ðối với thị trường chứng khoán, động thái từ Fed rõ ràng là vị cứu tinh, khi được công bố ngay sau phiên lao dốc cuối tuần trước, khiến chỉ số S&P 500 mở cửa tuần này ở mức dưới 3.000 điểm, cũng như thấp hơn đường trung bình 200 ngày.

Tuy nhiên, đợt điều chỉnh này là hoàn toàn cần thiết, nhất là khi diễn biến của thị trường chứng khoán đã trở nên xa rời tình hình kinh tế và nhóm nhà đầu tư cá nhân mới “đổ bộ” thị trường với tinh thần rất hưng phấn.

Hành động can thiệp của Fed đã tạo bước chặn với đà xuống dốc, thúc đẩy chứng khoán tiếp tục đi lên. Ðó là lý do không ít ý kiến quan ngại, nhà đầu tư sẽ kỳ vọng được cứu trợ thêm những lần tiếp theo, trong khi sức mạnh từ Fed là hữu hạn.

Trước Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng từng thực hiện động thái mua vào trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường thứ cấp cách đây hơn 4 năm, với danh mục nắm giữ hiện tại vào khoảng 250 tỷ USD.

Có một bài học mà ECB đã nhận được, đó là rất dễ để bắt đầu, nhưng khó để dừng lại và những lợi ích thu về dần “bốc hơi” so với hậu quả để lại. Thậm chí, ECB đã phải tái khởi động chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp vào tháng 11/2019 bởi lo sợ suy thoái tại khu vực đồng euro.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục