Những bất thường trong đà tăng của chứng khoán Mỹ

(ĐTCK) Nước Mỹ có nhiều điều để ăn mừng trong tháng 7, trước tiên là ngày lễ quốc khánh, sau đó là đà tăng của thị trường chứng khoán, với các chỉ số chứng khoán chính đều ở gần mức đỉnh cao nhất lịch sử. Tuy nhiên, ngay chính thời điểm này, có một số yếu tố “bất thường” trong đà tăng của thị trường được nhận diện rõ ràng.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Kể từ đầu năm 2019 tới nay, chứng khoán Mỹ đã có màn biểu diễn ấn tượng, bỏ xa phần còn lại của thế giới. Thực tế, chứng khoán Mỹ luôn có bước tiến tích cực hơn so với các thị trường khác trên toàn cầu ít nhất kể từ năm 1988, khi MSCI công bố chỉ số các thị trường toàn cầu trừ nước Mỹ.

2 lần ít ỏi điều này không đúng là khi Nhật Bản đạt đỉnh tăng trưởng vào cuối những năm 1980 và bước tăng nóng của các thị trường mới nổi ngay trước khi khủng hoảng tài chính diễn ra.

Vậy nhưng, trong đà tăng này, có một số yếu tố khiến niềm vui của các thành viên thị trường không được trọn vẹn.

Bất động sản ngoài cuộc vui

Một lĩnh vực bị “bỏ rơi” ngoài bữa tiệc vui của thị trường chứng khoán Mỹ là bất động sản. Thông thường, thị trường bất động sản nói chung, đầu tư bất động sản nói riêng thường vận hành xoay quanh vấn đề lãi suất. Theo đó, cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản tăng khi lãi suất cho vay ở mức thấp và giảm khi lãi suất đi lên. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, điều này không còn đúng.

Giới chuyên gia nhận định, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản xuất phát từ việc lãi suất ở mức quá thấp và “bóng ma” thương mại điện tử. Cụ thể, thương mại điện tử phát triển đe dọa đà tăng trưởng và sự tồn tại của lĩnh vực bán lẻ truyền thống, vốn là khách hàng thuê chính của các doanh nghiệp bất động sản. Điều này đồng nghĩa với việc số tiền cho thuê thu về từ trung tâm thương mại, cửa hiệu… đều đi xuống.

Đáng lo ngại hơn nữa, ngay cả khi lãi suất thấp, hoạt động đầu tư xây dựng văn phòng, căn hộ cũng không tăng trưởng tích cực, mà nguyên nhân được cho là bởi triển vọng phát triển kinh tế không khả quan. Theo giới phân tích, sự “lạc lõng” của nhóm cổ phiếu bất động sản là một tín hiệu tiêu cực đáng lưu tâm với chứng khoán Mỹ

Bất đẳng thức khó giải

Một yếu tố bất thường khác đối với đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ là việc nó được dẫn dắt bởi các cổ phiếu có vốn hóa lớn. Theo lý thuyết, các công ty nhỏ hơn thường tăng trưởng vượt trội hơn so với các doanh nghiệp lớn trong dài hạn. Điều này giúp các chỉ số lựa chọn cổ phiếu không phụ thuộc vào quy mô thường có màn biểu diễn tốt hơn so với các chỉ số nặng về tính quy mô của cổ phiếu.

Những bất thường trong đà tăng của chứng khoán Mỹ ảnh 1

Các cổ phiếu vốn hóa lớn đang bỏ lại nhóm vốn hóa nhỏ hơn ở phía sau.

Trong 25 năm qua, lý thuyết này duy trì sự chính xác, trừ 2 lần khi bong bóng dot-com bùng nổ vào năm 2000 và khủng hoảng tài chính năm 2008, khi các chỉ số với nhiều doanh nghiệp lớn trụ vững tốt hơn.

Hiện tại, ở Mỹ, các chỉ số với nhiều doanh nghiệp nhỏ, phân chia tỷ trọng công bằng lại đang bị bỏ lại phía sau, so với chỉ số gồm nhiều công ty lớn. Đây là “niềm đau” đối với các nhà đầu tư, nhà quản lý tài sản, khi khó hơn để thắng thị trường nếu các cổ phiếu vốn hóa lớn đi xuống. Đồng thời, khiến nhiều nhà đầu tư chán nản, bởi áp lực phải rót tiền vào các doanh nghiệp vốn đã có quy mô khổng lồ.

Trong vài năm qua, nhóm cổ phiếu FAANG (Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet - công ty mẹ của Google) trở thành hiện tượng phi thường và thống trị thị trường. Thực tế, xu hướng này không chỉ ở Mỹ, khi theo thống kê 17.000 cổ phiếu trên thế giới, chỉ 77 cổ phiếu có giá trị vốn hóa từ 100 triệu USD trở lên, chiếm chưa tới 0,5% về số lượng, nhưng đạt 27% tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu.

Đây rõ ràng là một tình trạng không lành mạnh đối với thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là nước Mỹ, nơi hiện tượng FAANG đã kéo dài và chưa có dấu hiệu sẽ sớm có thay đổi.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục