Nhân tố Mỹ đang chi phối thị trường tiền tệ châu Á

Ngày 14/7 ghi dấu một phiên giao dịch luôn trở chiều đối với đồng USD tại thị trường Tokyo, sau khi hãng Moody's dọa sẽ hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ (hiện đang ở mức AAA) và người đứng đầu Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke đánh tiếng về khả năng cường quốc này sẽ tiếp tục triển khai chính sách kích thích kinh tế.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN) Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo các nhà giao dịch, những biến động của đồng USD trong phiên 14/7 xuất phát từ hoạt động mua vào quy mô lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Những tranh cãi xung quanh mức nợ trần của Mỹ đã giảm bớt sức ép đối với đồng euro, giúp đồng tiền chung châu Âu lên giá so với cả USD và yen, từ mức 1,4168 USD/euro và 111,76 yen/euro trong phiên 13/7 ở New York lên 1,4198 USD/euro và 112,11 yen/euro. Trong khi đó, đồng USD xoay quanh mức 78,98 yen/USD.

 

Động thái vừa qua của hãng Moody's được đưa ra khi Tổng thống Barak Obama và các nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã trải qua bốn ngày thảo luận để cố gắng đạt được một thỏa thuận về ngân sách nước này.

 

Phe Cộng hòa từ chối nâng mức nợ trần nếu chính phủ không mạnh tay cắt giảm chi tiêu và họ cũng bác bỏ yêu cầu của phe Dân chủ muốn đưa giải pháp tăng thuế vào kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách.

 

Trong bối cảnh đồng yen lên giá so với đồng USD, các thị trường đang tập trung theo dõi phản ứng của Tokyo . Đồng yen hiện đang ngấp nghé mức cao nhất kể từ khi lập đỉnh của giai đoạn hậu Chiến tranh Thế giới lần 2, sau thảm họa động đất-sóng thần hôm 11/3.

 

Tình hình hiện nay đang làm dấy lên các mối quan ngại về khả năng Nhật Bản và G7 sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ. Trả lời phỏng vấn báo giới hôm 14/7, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda cho biết: "Theo tôi, những biến động của đồng yen đang thiếu sự cân bằng và không phản ánh các điều kiện kinh tế."

 

Thêm vào đó là bình luận của ông Ben Bernanke, rằng FED "sẵn sàng" nếu giải pháp kích thích kinh tế là cần thiết. Bình luận này đã dọn đường cho gói nới lỏng định lượng lần ba (QE3) và là một trong những nhân tố khiến đồng USD đi xuống. Tháng Sáu vừa qua, Mỹ đã kết thúc gói QE2 trị giá 600 tỷ USD.

 

Dai Sato, chuyên gia giao dịch tại Mizuho Corporate Bank nhận định tâm điểm của thị trường đã chuyển từ mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone sang các vấn đề của kinh tế Mỹ. Thị trường sẽ theo dõi sát sao các chỉ số kinh tế của Mỹ để "bắt mạch tình trạng sức khỏe của cường quốc này và tìm kiếm định hướng giao dịch.

 

Phiên 14/7, đồng đôla New Zealand (NZD) đã vọt lên mức cao kỷ lục so với đồng tiền xanh sau khi có thống kê cho hay tốc tộ tăng trưởng kinh tế nước này trong quý 2 vừa qua mạnh hơn dự kiến.

 

Cũng tại thị trường Tokyo phiên 14/7, đồng USD mất giá so với hầu hết các đồng tiền châu Á, trong đó có đồng đôla Singapore, won Hàn Quốc, peso Philippines, baht Thái Lan và rupiah Indonesia./.


TTXVN

Tin cùng chuyên mục