Nhận tin dữ, chứng khoán đồng loạt giảm mạnh

(ĐTCK) Thông tin liên quan đến khoản phạt khổng lồ với Deutsche Bank liên quan đến cuộc điều tra bán chứng khoán thế chấp đã kéo chứng khoán Âu, Mỹ giảm mạnh trong phiên cuối tuần qua.
Phố Wall giảm điểm trong phiên cuối tuần qua do ảnh hưởng của nhiều thông tin tiêu cực (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall giảm điểm trong phiên cuối tuần qua do ảnh hưởng của nhiều thông tin tiêu cực (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm trong phiên cuối tuần qua sau thông tin Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Deutsche Bank nộp khoản phạt lên tới 14 tỷ USD để giải quyết cho vụ điều tra về bán chứng khoán thế chấp, khiến cổ phiếu này giảm tới 9,35%, kéo theo đà lao dốc của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Ngoài ra, việc giá dầu thô giảm mạnh và tâm lý chờ đợi cuộc họp của Fed trong tuần này cũng ảnh hưởng tiêu cực lên chứng khoán Mỹ trong phiên cuối tuần trước.

Mọi con mắt tuần này đổ dồn về cuộc họp kéo dài 2 ngày, bắt đầu tư ngày 20 của Fed. Tuy nhiên, với các dữ liệu kinh tế Mỹ không khả quan, nhiều người dự đoán Fed sẽ không đưa ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp này.

Kết thúc phiên 16/9, chỉ số Dow Jones giảm 88,68 điểm (-0,49%), xuống 18.123,80 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,10 điểm (-0,38%), xuống 2.139,16 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 5,12 điểm (-0,10%), xuống 5.244,57 điểm.

Dù giảm nhẹ trong phiên cuối tuần, nhưng với phiên tăng mạnh hôm thứ Năm, phố Wall cũng hồi phục trở lại sau khi giảm hơn 2% trong tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,21%, chỉ số S&P 500 tăng 0,53%, chỉ số Nasdaq tăng 0,55%.

Tương tự, ảnh hưởng từ thông tin không tích cực của Deutsche Bank đã kéo chứng khoán khu vực giảm trở lại, đặc biệt là chứng khoán Đức.

Kết thúc phiên 16/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 20,02 điểm (-0,30%), xuống 6.710,28 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 155,03 điểm (-1,49%), xuống 10.276,17 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 40,77 điểm (-0,93%), xuống 4.332,45 điểm.

Dù phục hồi trở lại trong phiên thứ Năm, nhưng với phiên giảm khá mạnh cuối tuần, cùng các phiên giảm trước đó, chứng khoán châu Âu có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, tuần qua, chỉ số FTSE 100 giảm 0,98%, chỉ số DAX giảm 2,81% và chỉ số CAC 40 giảm tới 3,54%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông vẫn nghỉ giao dịch, thì chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại nhờ ảnh hưởng tích cực từ đà tăng của cổ phiếu Apple sau khi tung sản phẩm iPhone 7 ra thị trường, giúp các nhà cung cấp phụ kiện cho hãng này tại Nhật Bản được hưởng lợi theo.

Kết thúc phiên 16/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 114,28 điểm (+0,70%), lên 16.519,29 điểm. Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông nghỉ giao dịch phiên cuối tuần.

Tương tự chứng khoán châu Âu, chứng khoán châu Á cũng giảm khá sâu trong tuần qua sau 2 tuần tăng liên tiếp trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,63%, chỉ số Hang Seng giảm 3,17%, trả lại gần hết những gì đã có ở tuần trước đó và chỉ số Shanghai Composite giảm 2,47%.

Thận trọng trước cuộc họp của Fed, giá vàng cũng chủ yếu dao động lình xình trong phiên độ hẹp trong phiên cuối tuần qua và đóng cửa với phiên giảm tiếp theo. Không chỉ phiên cuối tuần, cuộc họp của Fed cũng đã tạo áp lực lên giá vàng cả tuần qua.

Kết thúc phiên 16/9, giá vàng giao ngay giảm 4,1 USD (-0,31%), xuống 1.310,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 4,8 USD (-0,36%), xuống 1.313,2 USD/ounce.

Sau 2 tuần phục hồi nhẹ, giá vàng đã giảm mạnh trở lại trong tuần qua với giá vàng giao ngay giảm 1,34% và giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 1,60%.

Trong cuộc thăm dò tuần này, với dự báo Fed sẽ không quyết định tăng lãi suất, nhiều chuyên gia tự tin giá vàng sẽ hồi phục trở lại, trong khi giới đầu tư có cái nhìn tiêu cực hơn sau nhiều tuần liên tiếp đặt kỳ vọng vào giá vàng.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò của Kitco, trong 13 nhà phân tích và môi giới trả lời, có 38% cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần này, cao hơn nhiều con số 27% tuần trước, trong khi số người dự báo giảm và đi ngang đều là 31%.

Trong khi đó, trong số 1.251 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, có 591 người, chiếm 48% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, thấp hơn mức 66% so với 2 tuần trước, trong khi có 530 người, chiếm 42% dự báo giảm và số người dự báo giá vàng đi ngang hoặc có quan điểm trung lập là 130 người, chiếm 10%.

Sau khi phục hồi nhẹ trong phiên thứ Năm (15/9), giá dầu thô đã giảm mạnh trở lại trong phiên cuối tuần sau thông tin Iran tăng cường xuất khẩu, lên 2 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 8, làm căng thẳng thêm nguồn cung vốn đã dư thừa hiện nay.

Không chỉ Iran, mà nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới là Ả Rập Xê út cũng tăng cường xuất khẩu. Hai nước sản xuất dầu lớn của OPEC đẩy mạnh lượng dầu bơm ra thị trường trước cuộc gặp giữa OPEC và các nhà sản xuất ngoài tổ chức này vào ngày 26-28/9 tới để bàn về việc ổn định giá dầu.

Kết thúc phiên 16/9, giá dầu thô Mỹ giảm 0,88 USD/thùng (-2,00%), xuống 42,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,82 USD (-1,76%), xuống 45,77 USD/thùng.

Sau khi phục hồi 3% trong tuần trước sau 3 tuần giảm liên tiếp, giá dầu thô đã nhanh chóng giảm mạnh trở lại trong tuần qua do nỗi lo dư cung tăng mạnh. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm tới 6,84%, giá dầu thô Brent giảm 4,67%.    

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục