Nhà đầu tư nước ngoài trở lại với bất động sản Ấn Độ

(ĐTCK) Sự chuyển mình mạnh mẽ từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cũng như những chính sách mở cửa đầu tư của Chính phủ mới giúp thị trường bất động sản Ấn Độ dành lại “cảm tình” của nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư nước ngoài trở lại với bất động sản Ấn Độ

Trong 6 tháng đầu năm 2014, các quỹ đầu tư tư nhân và nhà đầu tư quốc tế rót hơn 675 triệu USD vào thị trường bất động sản Ấn Độ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013, theo số liệu của Cushman & Wakefield.

Đầu năm 2014, Tổ chức đầu tư toàn cầu Pension Plan Investment Board (Canada) ký kết hợp đồng đối tác có giá trị 174 triệu USD với Tập đoàn Piramal Enterprises Ltd của Ấn Độ để hỗ trợ tài chính cho những dự án khu dân cư.

Tháng 5/2014, nhóm nhà đầu tư do công ty quản lý quỹ của Hà Lan APG Asset Management NV dẫn đầu, tuyên bố, đang thực hiện dự án hợp tác đầu tư với Hãng Xander Group Inc, với cam kết đầu tư 300 triệu USD vào phân khúc bất động sản thương mại tại Ấn Độ.

Tháng 6/2014, Công ty quản lý quỹ của Canada, Brookfield Asset Management Inc quyết định bỏ ra 580 triệu USD mua lại danh mục đầu tư Dự án văn phòng Unitech Corporate Parks với tổng diện tích 17 triệu m2 và một số dự án phát triển khác trong nước. 

Kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền, Chính phủ Ấn Độ đã có nhiều thay đổi về chính sách kinh tế và chính trị, giúp thị trường bất động sản nội địa trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư ngoại. Nhiều nhà phát triển bất động sản kỳ vọng, Chính phủ mới của ông Modi sẽ có những công cuộc cải cách cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế, kích thích nguồn cầu trong nhân dân ở cả 2 phân khúc bất động sản dân cư và thương mại.

Mặc dù không còn mang tâm lý bi quan, song với những kinh nghiệm thất bại trong quá khứ, cả nhà đầu tư nội, lẫn ngoại đều đang lựa chọn những bước đi thận trọng. Trong khi một số nhà phát triển bất động sản trong nước như Mumbai's Lodha Developers Ltd tự thấy mình đủ năng lực tài chính, không muốn hợp tác với đối tác nước ngoài, thì những tập đoàn đầu tư quốc tế lớn như Morgan Stanley, hay Blackstone Group khắt khe trong việc lựa chọn đối tác làm ăn, đồng thời, yêu cầu một số điều khoản bảo vệ trong hợp đồng. Một số quỹ đầu tư ngoại thì chọn giải pháp đầu tư thông qua công cụ nợ, bao gồm bản giao ước yêu cầu người đi vay phải có sự đồng ý của nhà đầu tư trước khi quyết định bỏ ra số tiền đầu tư lớn.

“Nhà đầu tư vẫn đang thận trọng. Một công ty sở hữu lịch sử kinh doanh trong sạch sẽ là lợi thế lớn để các tổ chức đầu tư nước ngoài tìm đến”, M.K. Sinha, Giám đốc điều hành Tập đoàn quản lý quỹ tài sản hàng đầu Ấn Độ, IDFC Alternatives nói. Hiện IDFC Alternatives đang đặt kế hoạch huy động quỹ 300 - 600 triệu USD từ các tổ chức quốc tế đầu tư vào khu vực dự án dân cư trong nước.

Còn nhớ, cách đây 9 năm, Ấn Độ từng chứng kiến làn sóng nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào thị trường bất động sản nội địa sau khi Chính phủ nước này thông qua một số điều luật mới vào năm 2005, với việc nới lỏng quy tắc áp dụng cho khu vực đầu tư nước ngoài. Theo đó, trong khoảng thời gian từ năm 2006 - 2008, các quỹ đầu tư tư nhân và những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hơn 15 tỷ USD vào lĩnh vực bất động sản, theo số liệu của Công ty Phân tích tài chính Venture Intelligence. Đồng thời, nhiều tổ chức quốc tế lựa chọn cách đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp bất động sản trong nước, dẫn đến việc hình thành nhiều hợp đồng đối tác giữa những nhà đầu tư nước ngoài và tập đoàn phát triển bất động sản nội địa.

Tuy nhiên, những thương vụ hợp tác làm ăn gặp khó khăn kể từ sau năm 2008, với doanh số bán hàng chung cư và văn phòng lao dốc mạnh do ảnh hưởng của thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu.

Hàng loạt hợp đồng đối tác chấm dứt, thị trường IPO im ắng, nhiều đơn vị nước ngoài đóng cửa các cơ sở kinh doanh bất động sản ở Ấn Độ… khiến thị trường hoàn toàn bị “đóng băng”. Trái lại, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều tổ chức quốc tế như Morgan Stanley, Blackstone, Walton Street India Real Estate Advisors Pvt.… vẫn quyết tâm trụ lại thị trường và dành mức tín nhiệm cao trong mọi hoạt động đầu tư tại đây.

Hồng Tuyết(Theo báo chí nước ngoài)
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục