Nhà đầu tư mắc bẫy khi 31 tỷ USD cổ phiếu HNA ngừng giao dịch

(ĐTCK) HNA Group Co, doanh nghiệp Trung Quốc bí ẩn từng khuấy động thị trường tài chính toàn cầu nhờ hàng loạt thương vụ thâu tóm tài sản nước ngoài, lại gây “tiếng vang” khác khi các cổ phiếu ngừng giao dịch, khiến nhà đầu tư mắc kẹt trong nhiều tuần.
Ảnh minh họa Ảnh minh họa

7 công ty niêm yết thuộc HNA Group đã tạm ngừng giao dịch trong 7 tuần hoặc hơn, tạo nên làn sóng đóng băng cổ phiếu lớn nhất từ trước tới nay tại Trung Quốc có liên quan tới một doanh nghiệp. Việc các cổ phiếu có giá trị khoảng 31 tỷ USD không được giao dịch khiến các cổ đông thiểu số không có khả năng bán đi nhằm thu hồi vốn, phải chấp nhận một tương lai không thể đoán trước với các tài sản này.

“Cổ phiếu này từ lâu đã không còn nằm trong danh mục đầu tư của chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn đang mắc kẹt với nó”, Zhao Danian, nhà quản lý quỹ Everbright Pramerica Fund Management Co tại Thượng Hải cho biết. Quỹ đầu tư này từ lâu đã không còn khuyến nghị đầu tư các cổ phiếu có liên quan tới HNA Group, nhưng vẫn chưa thể bán đi bởi giao dịch đã bị tạm ngừng kể từ ngày 23/1.

Trong email trả lời các thắc mắc của nhà đầu tư, HNA cho biết, Công ty đang tái cơ cấu dòng tiền và nhận được sự hỗ trợ từ hàng loạt chủ nợ cả trong và ngoài nước. Tập đoàn này cũng đã bán đi tài sản để chi trả cho khối nợ xuất phát từ việc mua hàng loạt tài sản nước ngoài, với giá trị các thương vụ ít nhất đạt 40 tỷ USD. Tuy nhiên, HNA từ chối bình luận về việc cổ phiếu của các công ty con tạm ngừng giao dịch, cũng như việc có phải tập đoàn này đang đối diện với tình trạng margin call hay không. 

Trước lý do tái cơ cấu của HNA, các chuyên gia chứng khoán lại có suy nghĩ khác. Theo đó, các thành viên thị trường nhận định, HNA cần phải thế chấp ít nhất 12,7 tỷ USD cổ phiếu tại các công ty con cho các chủ nợ và việc tạm ngừng giao dịch là để ngăn chặn việc bán tháo đồng loạt của các chủ nợ này, Victor Shih, giáo sư kinh tế tại Đại học California San Diego cho biết. Thực tế, hành động ngừng giao dịch là hình thức “hiến tế” lợi ích của các cổ đông thiểu số.

Hiện tại, Uỷ ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc và Sàn Giao dịch chứng khoán Thượng Hải từ chối bình luận về vấn đề này, trong khi Sàn Giao dịch chứng khoán Thẩm Quyến không hồi âm mail đặt câu hỏi.

Từ trước tới nay, các công ty Trung Quốc có “thói quen” sử dụng việc tạm ngừng giao dịch cổ phiếu để ngăn chặn giá cổ phiếu lao dốc. Trong thời điểm thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ vào năm 2015, gần một nửa số công ty niêm yết tại thị trường này tạm ngừng giao dịch cổ phiếu, bất chấp những hành động lên án của các nhà đầu tư quốc tế.

Theo đó, để tạm ngừng giao dịch cổ phiếu, các công ty chỉ cần điền vào mẫu đơn của sở giao dịch chứng khoán, với thời gian tạm ngừng có thể lên tới 3 tháng, thậm chí kéo dài hơn nữa nếu được sự chấp thuận của cổ đông và sàn giao dịch. Nguyên nhân của việc tạm dừng giao dịch có thể “đơn giản” như công việc nội bộ, tiến hành tái cấu trúc.

Trong thời gian gần đây, giới chức quản lý chứng khoán Trung Quốc đã có một số động thái siết chặt việc tạm ngừng giao dịch cổ phiếu, trong chiến dịch hỗ trợ thị trường chứng khoán Đại lục được tham gia vào các chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI. Tuy nhiên, giá trị của các cổ phiếu đang ngừng giao dịch tại thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn vượt quá 456 tỷ USD, theo số liệu thống kê của Bloomberg. Con số này cao hơn 3.150 lần so với giá trị cổ phiếu tạm ngừng giao dịch tại Mỹ, nơi có quy định cổ phiếu không được ngừng giao dịch quá 10 ngày.

“Việc cổ phiếu của các công ty con thuộc HNA Group ngừng giao dịch quá lâu đã phản ánh sự “nghèo nàn” của thị trường chứng khoán Đại lục. Mọi người sẽ nhìn vào thị trường này và nói rằng, vào thì rất dễ nhưng ra thì không hề đơn giản”, Andrew Clarke, Giám đốc giao dịch cổ phiếu tại Mirabaud Asia Ltd cho biết.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục