Nhà đầu tư lạc quan với triển vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung

(ĐTCK) Những phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến giới đầu tư lạc quan về việc Mỹ - Trung sắp tìm được tiếng nói chung để giải quyết cuộc chiến thương mại.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Lạc quan về triển vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung diễn ra vào cuối tuần này, cùng với thông tin Tổng thống Trump có khả năng ký thỏa thuận về an ninh biên giới để tránh chính phủ đóng cửa lần thứ 2 giúp phố Wall duy trì đà tăng tốt khi bước vào phiên giao dịch thứ Tư.

Tổng thống Trump lùi thời hạn chót để tăng thuế từ 10% lên 25% với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc từ 1/3 sang 2/3. Ông cho rằng, để đạt được một thỏa thuận tốt, thì ông có thể chờ đợi thêm một chút, nhưng có thể không cần phải chờ đợi, vì “chúng tôi đang làm rất tốt ở Trung Quốc”.

Hiện Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer đã có mặt ở Bắc Kinh để tiến hành vong đàm phán thương mại tiếp theo với Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He vào thứ Năm và thứ Sáu. Phát biểu của ông Trump cho thấy triển vọng của vòng đàm phán này khá sáng sủa.

Ngoài ra, dữ liệu về lạm phát vừa công bố cũng khiến giới đầu tư an tâm Fed sẽ dữ ổn định lãi suất trong thời gian tới để xuống tiền. Cụ thể, theo dữ liệu vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 của Mỹ không thay đổi so với tháng 12/2018 và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 1,9% trong tháng 12. Các dự báo trước đó là chỉ số này tăng 0,1% so với tháng 12 và 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số bị hạn chế vào cuối phiên do kết quả kinh doanh của một tập đoàn lớn không như kỳ vọng.

Kết thúc phiên 13/2, chỉ số Dow Jones tăng 117,51 điểm (+0,46%), lên 25.543,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,30 điểm (+0,30%), lên 2.753,03 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 5,76 điểm (+0,08%), lên 7.420,30 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng duy trì đà tăng khá tốt trong phiên thứ Tư khi nhà đầu tư lạc quan về triển vọng vòng đàm phán thương mại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, áp lực lạm phát giảm, cùng với dữ liệu cho thấy dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp châu Âu ổn định so với mức sụt giảm trước đó.

Trong đó, chứng khoán Anh tăng tốt nhất sau khi dữ liệu công bố cho thấy, Tương tự, tỷ lệ lạm phát trong tháng 1 của Anh chỉ tăng 1,8% theo năm, mức thấp nhất 2 năm.

Kết thúc phiên 13/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 57,70 điểm (+0,81%), lên 7.190,84 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 41,14 điểm (+0,37%), lên 11.167,22 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 17,92 điểm (+0,35%), lên 5.074,27 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, kỳ vọng vào khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh thương mại trong vòng đàm phán tiếp theo diễn ra ở Bắc Kinh giúp các thị trường chính trong khu vực có phiên khởi sắc hôm thứ Tư. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản lên mức cao nhất gần 2 tháng, chứng khoán Trung Quốc cũng cao nhất từ tháng 10/2018 và chứng khoán Hồng Kông thậm chí còn lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2018.

Kết thúc phiên 13/2, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 280,27 điểm (+1,34%), lên 21.144,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 49,17 điểm (+1,84%), lên 2.721,07 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 326,26 điểm (+1,16%), lên 27.497,59 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này gần như không đổi trong suốt phiên Á và Âu. Tuy nhiên, bước vào phiên Mỹ, giá vàng lại biến động mạnh khi nhảy vọt đầu phiên, sau đó nhanh chóng quay đầu giảm giá và đóng cửa thấp hơn mức đóng cửa của phiên trước đó.

Giá vàng quay đầu giảm khi chứng khoán duy trì được sự ổn định, đồng USD hồi phục trở lại và đặc biệt là lạm phát được khống chế.

Kết thúc phiên 13/2, giá vàng giao ngay giảm 4,5 USD (-0,34%), xuống 1.305,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 1,1 USD (+0,08%), lên 1.315,1 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên thứ Tư sau khi Ả Rập Xê út, nước sản xuất dầu lớn nhất OPEC cho biết sẽ cắt giảm xuất khẩu và cắt giảm sâu hơn nữa sản lượng khai thác của mình. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô có phần bị chững lại do dữ liệu hàng tồn kho của Mỹ tăng trong tuần trước.

Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng tồn kho của Mỹ tuần trước đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2017 khi các nhà máy lọc dầu cắt giảm công suất hoạt động xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017.

Kết thúc phiên 13/2, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,69 USD (+1,32%), lên 53,10 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,91 USD (+1,48%), lên 62,42 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục