Nhà đầu tư định vị lại chiến lược tại thị trường châu Á

(ĐTCK) Có một điều ngày càng rõ ràng rằng, thế giới hậu đại dịch sẽ có nhiều biến đổi, bởi Covid-19 đã khiến cuộc sống, thói quen, phong cách làm việc của đại bộ phận người dân trở nên khác biệt. Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư đang phải định vị lại chiến lược trong dài hạn để thích ứng với môi trường mới.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Tại thị trường chứng khoán châu Á, Citigroup Inc và Bank of Singapore là một trong những tổ chức gần nhất công bố các khuyến nghị dành cho nhà đầu tư hậu đại dịch. Nhiều nhà quản lý tài sản, bao gồm T. Rowe Price Group Inc cũng chia sẻ cách nhìn về định hướng đầu tư dài hạn.

Tựu chung lại, những xu hướng chủ đạo sẽ tác động tới hoạt động đầu tư tại châu Á là mọi thứ đều hoạt động online, chuỗi cung ứng dần rời xa Trung Quốc và tập trung vào các doanh nghiệp với bảng cân đối tài chính lành mạnh.

Online là xu thế chủ đạo

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi cách thức con người làm việc, sinh sống, hoạt động, thậm chí là giải trí…

Đây là lý do Mark Davids, giám đốc đầu tư tại JPMorgan Asset Management nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ đám mây nhằm hỗ trợ nhu cầu làm việc tại nhà, cũng như các dịch vụ online streaming và thương mại điện tử - dẫn tới việc sử dụng nhiều hơn các thiết bị điện tử như thẻ nhớ, cảm biến.

“Xu hướng này xuất phát từ trước đại dịch, nhưng cuộc khủng hoảng hiện tại khiến tốc độ online hóa trở nên nhanh hơn”, Mark Davids cho biết. Quỹ đầu tư Asia Growth Fund do ông làm đồng giám đốc có hiệu suất đầu tư cao hơn 97% so với các quỹ tương tự trong 5 năm qua, với các khoản đầu tư lớn nhất vào Samsung Electronics Co và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co.

Tầm nhìn này cũng nhận được sự đồng thuận bởi nhiều tổ chức, bao gồm Union Bancaire Privee, quỹ đầu tư định lượng McKinley Capital Management LLC… Theo đó, đại dịch tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển công nghệ phục vụ học tập trực tuyến, giải trí, mua sắm, thương mại…

Vượt ra ngoài Trung Quốc

Một thay đổi lớn nữa diễn ra trước sự ảnh hưởng của đại dịch là việc chuỗi cung ứng dần rời xa khỏi Trung Quốc.

Trước đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu khiến các doanh nghiệp xác định lại sự gắn bó với thị trường Đại lục, tìm cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng. Đại dịch xuất hiện khiến chiến lược này trở nên rõ ràng hơn và động thái của các doanh nghiệp cũng quyết liệt hơn bao giờ hết.

UBS Group AG đánh giá, doanh nghiệp và chính phủ nhiều quốc gia đang tìm cách để mở rộng chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc quá lớn vào hệ thống tại Trung Quốc và đưa hoạt động sản xuất về gần quê nhà hơn.

Không riêng Mỹ, các quốc gia châu Á như Nhật Bản đang khuyến khích doanh nghiệp di chuyển ra khỏi Đại lục. Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại, Citigroup đánh giá, cơ hội sẽ dành cho các thị trường mới nổi trong khu vực.

“Tham gia vào các thị trường mới nổi tại châu Á, nơi được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất, đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài dồi dào, dư địa tăng trưởng lớn… sẽ trở thành chất xúc tác tích cực cho danh mục đầu tư”, các nhà kinh tế tại Citigroup đánh giá.

Xây dựng nền tảng bền vững

Các doanh nghiệp có thể sống sót qua cú sốc cung - cầu thời đại dịch cũng như khoảng thời gian giãn cách xã hội nhiều khả năng sẽ thay đổi quan điểm, thái độ về việc làm lành mạnh bảng cân đối kế toán của mình, hướng tới phát triển bền vững hơn, giảm thiểu rủi ro, theo Eli Lee, người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư tại Bank of Singapore.

Cụ thể, một số lĩnh vực đòi hỏi tái cấu trúc, xây dựng nền tảng vững chắc hơn để đối diện với những thay đổi trong dài hạn xuất phát từ thói quen mới của người tiêu dùng sau đại dịch bao gồm hàng không, năng lượng, trung tâm bán lẻ, khách sạn và chuỗi chương trình học truyền thống…

“Chúng tôi kỳ vọng các công ty sẽ đảm bảo tình hình tài chính cân bằng hơn, thanh khoản tốt hơn và có khả năng huy động vốn trong dài hạn, giảm thiểu dùng đòn bẩy tài chính. Với nhiều doanh nghiệp, điều này đồng nghĩa với việc phải giảm chia cổ tức, hạn chế mua cổ phiếu quỹ, cũng như các kế hoạch chi tiêu chưa thực sự thiết yếu và huy động thêm vốn từ nhà đầu tư”, Eli Lee chia sẻ.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục