Nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” 2013

(ĐTCK) Nếu sóng thần đồng đôla Mỹ và đồng Euro xảy ra, có thể thế giới sẽ chết chìm trong một trận hồng thủy tiền tệ.
Ông Mervyn King vẽ ra một bức tranh ảm đảm về tiền tệ thế giới. Ông Mervyn King vẽ ra một bức tranh ảm đảm về tiền tệ thế giới.

Dường như các cuộc tranh cãi căng thẳng về tiền tệ đã được lập trình trước cho năm mới 2013. Ngay từ đầu năm, các nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế lớn mới nổi đã thường xuyên lên tiếng cáo buộc nhau là dùng nhiều thủ đoạn trong việc điều tiết tỷ giá hối đoái các đồng nội tệ có lợi cho nền kinh tế của mình và không ít quan chức các nước đã cảnh báo đây là nguy cơ dẫn đến một cuộc “chiến tranh tiền tệ“ thế giới.

Mới đây, tân Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật đã tuyên bố rằng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ thực hiện tất cả các chính sách như lãi suất cơ bản tiêu cực, tăng lượng tiền không giới hạn và mua trái phiếu chính phủ. Nhà lãnh đạo quyền lực mới của Nhật Bản có trong tay tất cả điều kiện để làm việc đó khi Chính phủ liên minh do ông đứng đầu chiếm đa số (2/3) trong Hạ viện.

“Một đồng Yên rẻ hơn, có thể làm sống lại lĩnh vực xuất khẩu bị trì trệ của Nhật Bản“, ông Shinzo Abe nói.

Về phía Chính phủ liên bang Đức, người ta dè dặt trong việc công khai phê phán đối với các đồng minh nhóm G20. Song, phó Chủ tịch nhóm Nghị sĩ liên minh hai đảng CDU/CSU (Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo), ông Michael Meister đã công kích chính sách của ông Abe, đặc biệt là sự tiếp tục các khoản nợ nần quá mức, sẽ có nguy cơ đẩy Nhật Bản vào sự hỗn loạn mới.

Trong khi đó, tại Văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã xuất hiện những mối lo ngại rằng, trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), một số đối tác sẽ không thông qua các cuộc cải cách cơ cấu đau đớn như Thủ tướng kêu gọi, mà lại tìm cách thông qua một đồng Euro rẻ hơn, giá trị thấp hơn.

 

Sẽ có nhiều sự can thiệp đối với tỷ giá hối đoái

Ông Mervyn King, Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Anh, phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế ở New York : “Mối lo ngại của tôi là năm 2013, chúng ta sẽ chứng kiến những cuộc can thiệp mạnh mẽ hơn của các quốc gia vào tỷ giá hối đoái các đồng nội tệ“. Điều này có thể đẩy nền kinh tế thế giới tới chỗ mất cân bằng và gây ra những hậu quả khôn lường. Người ta có thể nhận thấy qua từng tháng, nhiều quốc gia ngày càng theo đuổi các chính sách điều chỉnh, quản lý chặt chẽ hơn tỷ giá hối đoái, trong đó thường là hạ giá đồng nội tệ.

Giám đốc kinh tế của Ngân hàng thương mại Đức (Comerzbank), ông Jörg Krämer cũng lo ngại: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà phần lớn các ngân hàng trung ương tìm cách làm yếu đi giá trị đồng nội tệ để tạo ra những lợi thế trong thương mại thế giới và vượt qua những thâm hụt cấu trúc ở đất nước họ“.

 

Những trận lụt đôla

Đối với người Mỹ, thực tế chính sách này không phải là mới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thường xuyên tìm cách tạo ra các trận lũ đôla để giải quyết các vấn đề ở nước Mỹ. Trong khi hàng tỷ USD trong nước hầu như không giúp gì cho cuộc đấu tranh chống khủng hoảng, thì các nước như Braxin hoặc Chile lại bị nhấn chìm bởi “trận lũ” đôla từ Bắc Mỹ.

Bộ trưởng tài chính Braxin, ông Guido Mantega đã từng gọi đó là cuộc “chiến tranh tiền tệ“ của Mỹ.

Bà Rousseff phê phán rằng, Mỹ là nhân tố chủ chốt nhất của vấn đề, nhưng Liên minh châu Âu (EU) cũng hạ giá đồng tiền Euro của mình, ám chỉ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). “Một cơn sóng thần đồng đôla Mỹ và đồng Euro của châu Âu xảy ra, có thể thế giới sẽ chết chìm trong một trận hồng thủy tiền tệ“.

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều sự can thiệp thường xuyên và mạnh mẽ hơn vào thị trường tiền tệ, chẳng hạn như hạ lãi suất và kiểm soát lưu thông vốn. Nổi bật là các ngân hàng trung ương của các quốc gia phương Tây như Ngân hàng Bank of England, ECB, Fed và giờ đây cả Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Trung Quốc cũng bị chỉ trích về việc tiếp tục giữ cho đồng Nhân dân tệ giá trị thấp giả tạo. Mervyn King, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Anh cũng nói, ông theo dõi từng tháng một và thấy có những thủ thuật giữ tỷ giá hối đoái thấp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Ông Jörg Krämer, chuyên gia Đức chia sẻ quan điểm của ông Mervyn King và nói: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà trong đó nhiều ngân hàng trung ương tìm cách giảm giá đồng nội tệ để tạo ra lợi thế trong thương mại thế giới. Sự khác biệt giữa các nước với sự thâm hụt tiền tệ và sự dư thừa tiền tệ đang phủ bóng đen lên tất cả chúng ta. Nếu các quốc gia trên trái đất không cùng đi tới một giải pháp chung, thì sẽ có nhiều nước bị đẩy xuống vực thẳm và gây ra những thiệt hại khôn lường cho cả thế giới“.   

Nguyễn Thái Duy
Nguyễn Thái Duy

Tin cùng chuyên mục