Người ủng hộ phấn khích và hoang mang khi Trump đắc cử

Thắng lợi của Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng không những gây bất ngờ cho toàn thế giới mà còn khiến ngay cả người ủng hộ ông cũng cảm thấy hoang mang, bên cạnh niềm phấn khích.
Người ủng hộ tổng thống mới đắc cử Donald Trump ở New York. Ảnh:New York Times Người ủng hộ tổng thống mới đắc cử Donald Trump ở New York. Ảnh:New York Times

"Cảm xúc lẫn lộn" là cụm từ mà New York Times sử dụng để miêu tả tâm trạng của những người ủng hộ tỷ phú Donald Trump sau khi biết tin ông đắc cử tổng thống Mỹ. Một số người nói họ mong chờ những điều tuyệt vời mà ông Trump có thể mang lại. Số khác cho biết họ vẫn hoang mang về tương lai. Tuy nhiên, hầu như tất cả những người được hỏi đều cho rằng ông trùm bất động sản chiến thắng là nhờ biết cách đánh vào các nhu cầu thầm kín của cử tri.

"Người dân thiếu tin tưởng vào chính quyền ở Washington và đó là lý do dẫn đến kết quả như hiện nay", Ken Merrifield, 53 tuổi, thị trưởng thành phố Franklin, bang New Hampshire, nhận xét. "Đây là một cuộc cách mạng".

Đêm 8/11, tại một bữa tiệc hội ngộ theo dõi kết quả bầu cử ở thành phố Raleigh, bang Bắc Carolina, Dennis M. English Jr. mặc bộ âu phục may đo, ngậm xì gà, đứng chỉnh tề giữa đám đông. Ông giơ nắm đấm lên cao, thể hiện niềm phấn khích mỗi lần kênh truyền hình Fox News công bố kết quả ở từng bang với chiến thắng nghiêng về nhà tài phiệt New York.

"Không phải chỉ người da trắng mà cả những cộng đồng dân cư thiểu số cũng bầu cho Trump", ông English, một người da màu, hét lớn.

English đứng đầu một văn phòng chuyên giúp đỡ các doanh nghiệp do cộng đồng dân cư thiểu số làm chủ cạnh tranh những hợp đồng chính phủ. Theo English, ông từng đặt chân đến những hạt trì trệ nhất ở khu vực miền đông bang Bắc Carolina. Trước ông Trump, rất ít chính trị gia quan tâm đến việc giải quyết các khiếu nại từ những người dân bị tổn thương về kinh tế bởi các thỏa thuận thương mại tự do đã góp phần đẩy nhanh quá trình sụp đổ của ngành công nghiệp dệt may.

"Chúng tôi cần những công việc đó trở lại", ông English nói. "Bạn phải đến tận nơi. Tôi đang nói tới hàng nghìn người hiện sống vật vờ ở những hạt này mà không có việc làm".

nguoi-ung-ho-phan-khich-va-hoang-mang-khi-trump-dac-cu-1
Ông Dennis M. English Jr., một người ủng hộ tỷ phú Trump. Ảnh:New York Times

Tại Wisconsin, Beth Schmidt, chủ tịch đảng Cộng hòa ở hạt Rock, cho hay sáng hôm 9/11, bà thức dậy với tâm trạng vui vẻ nhưng xen lẫn một chút kinh ngạc.

"Với tư cách một người Cộng hòa, tôi đáng lẽ phải cảm thấy hứng khởi", bà chia sẻ. "Nhưng tôi lại không biết nên suy nghĩ như thế nào".

Bà Schmidt, 58 tuổi, kịch liệt chống hành vi phá thai. Theo bà, phúc lợi là cần thiết nhưng nó đang bị lạm dụng. Bà không phải người ủng hộ ông Trump ngay từ đầu nhưng đã thay đổi quyết định và bầu cho nhà tài phiệt New York trong cuộc tổng tuyển cử.

Bà bị thuyết phục rằng dù không có kinh nghiệm chính trường nhưng tỷ phú Trump sẽ làm tốt bởi vây quanh ông là một đội ngũ chuyên gia đầy hiểu biết.

"Tôi cho rằng ông ấy sẽ mang mọi người đến gần nhau hơn, điều mà không ai ngờ tới", bà Schmidt nói. "Tôi sẽ cầu nguyện cho điều đó. Theo thời gian, người ta sẽ thấy một Trump hoàn toàn khác".

Đối với Mark Harris, 49 tuổi, doanh nhân đến từ bang Georgia, các phát ngôn bạo miệng và hành động bộc phát của Trump là cái giá phải trả nếu ông muốn thay đổi hệ thống chính trị Mỹ như đã hứa.

"Rất nhiều người dân Mỹ có thể bỏ qua những hành vi thô lỗ ấy để nắm bắt cơ hội thay đổi mà Trump nói đến", Harris bình luận.

Harris, sống tại một trong những vùng ngoại ô phía bắc thành phố Atlanta, hôm 8/11 không thể kìm nén niềm vui sướng trước kết quả bầu cử tổng thống. Ông cho biết kết quả này là bằng chứng cho thấy cử tri Mỹ đang quay lưng lại với các chính trị gia, những nhà vận động hành lang và kể cả truyền thông. "Người Mỹ đã quá mệt mỏi với chính quyền ở Washington, D.C", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Harris cảnh báo tổng thống đắc cử Trump không nên phá vỡ các cam kết. "Trong 4 năm tới, chúng ta sẽ thấy liệu ông ấy có đủ khả năng để giữ đúng lời hứa hay không", Harris nói.

Theo Joseph Conno, đến từ hạt Bergen, bang New Jersey, có một số điểm trong thông điệp mà ông Trump đưa ra rất quan trọng, đặc biệt là ý tưởng về việc tách biệt bộ máy chính quyền khỏi thương mại.

"Tôi nghĩ đã đến lúc phải thay đổi các luật lệ và để người Mỹ làm những điều tuyệt vời cho thế giới", ông Connor chia sẻ. "Tôi nhìn thấy điều ấy ở ông Trump".

Tại buổi tiệc đêm bầu cử ở Phoenix, đôi bạn Linda M. Wright và Susan Cheatham bày tỏ lòng biết ơn Chúa vì đã giúp ông Trump chiến thắng.

"Ông ấy sẽ không tăng thuế với chúng tôi", bà Wright, 58 tuổi, nói.

"Ông ấy sẽ bảo vệ biên giới", bà Cheatham, 53 tuổi, bổ sung.

"Ông ấy sẽ không tước vũ khí của chúng tôi", bà Wright thêm vào.

"Ông ấy sẽ bổ nhiệm những thẩm phán Tòa án Tối cao có thể bảo vệ Hiến pháp", bà Cheatham quả quyết.

"Vâng, đúng thế, bảo vệ Hiến pháp. Đấy là điểm mấu chốt", bà Wright kết luận.

Hai người đồng tình rằng ông Trump là đại diện cho tầm nhìn của họ về nước Mỹ: một đất nước tôn kính Chúa và quan tâm tới quân sự.

Bà Wright và Cheatham ủng hộ đề xuất cấm người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ, đồng thời trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp khỏi đất nước mà nhà tài phiệt New York đưa ra.

Những người ủng hộ như bà Jeanne Koval, 57 tuổi, và chồng, ông Alan, 59 tuổi, đến từ bang Michigan, tự coi mình như một phần trong phong trào chống tham nhũng toàn cầu. 

Bà Koval, một y tá, so sánh sự ủng hộ bà dành cho ông Trump với sự ủng hộ của các đồng nghiệp người Philippines dành cho tổng thống nước này, ông Rodrigo Duterte.

"Họ đã quá chán nản vì tham nhũng. Họ muốn một người nào đó đủ khả năng giải quyết các vấn đề", Koval cho hay. Song vợ chồng bà không biết chính xác bản thân muốn ông Trump thay đổi những gì. Họ hiện tại lo lắng vì chi phí y tế tăng cao và việc làm bị chuyển ra nước ngoài. 

Tại bang Utah, Olivia Blackham cũng bầu cho tỷ phú Mỹ. Blackham giải thích cô chọn ông Trump vì tin rằng hệ thống nhập cư Mỹ đang thực sự gặp vấn đề.

Blackham kể cô thấy băn khoăn sau quãng thời gian làm việc với một số người nhập cư. Họ được nhận chăm sóc y tế miễn phí trong khi những người bạn của cô thuộc tầng lớp trung lưu phải chi hàng trăm USD cho mỗi đơn thuốc. Theo Blackham, ông Trump có thể giải quyết tình trạng này.

Nhưng khi đối diện với thực tế là tỷ phú Trump sẽ trở thành tổng thống Mỹ đời thứ 45, Blackham, 34 tuổi, lại tỏ ra lo lắng.

"Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ rất đáng sợ", Blackham nói. "Chúng tôi đặt cược cho sự thay đổi".


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục