Người lao động chịu nhiều áp lực tiết kiệm cho hưu trí

(ĐTCK) Báo cáo Thế hệ và hành trình thuộc chuỗi báo cáo dài hạn “Tương lai Hưu trí” của Ngân hàng HSBC cho biết, những người trong độ tuổi lao động hiện chịu nhiều áp lực tiết kiệm cho hưu trí hơn trước đây.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Lo lắng chưa tiết kiệm đủ cho tuổi hưu

Báo cáo lấy ý kiến của hơn 18.000 người tại 17 quốc gia. Theo đó, thế hệ hưu trí hiện tại đã bắt đầu tiết kiệm cho quãng đời về hưu của mình từ năm 35 tuổi và nghỉ hưu ở tuổi 58, thời gian tiết kiệm trung bình là 23 năm. Trong khi đó, những người trong độ tuổi lao động toàn cầu hiện bắt đầu tiết kiệm cho hưu trí sớm hơn 5 năm, ở độ tuổi 30 và dự tính sẽ nghỉ hưu trễ hơn hai năm ở  tuổi 60. Như vậy, họ sẽ dành trung bình 30 năm tiết kiệm cho tương lai hưu trí của bản thân - nhiều hơn bảy năm so với những người hiện đã về hưu.

“Mặc dù bắt đầu tiết kiệm hưu trí sớm hơn, phần lớn những người đang trong độ tuổi lao động cho rằng họ chưa tiết kiệm đủ. 38% những người được hỏi cho rằng, giá như họ đã bắt đầu tiết kiệm sớm hơn và 28% cho rằng đúng ra, họ nên dành một phần thu nhập nhiều hơn cho tiết kiệm”, chuyên gia của HSBC chia sẻ.

Báo cáo của HSBC cũng tiết lộ rằng, 24% những người đang đi làm hiện vẫn chưa bắt đầu tiết kiệm cho hưu trí, với 12% trong số đó từ 60 tuổi trở lên.

Đối với Việt Nam, tuy là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao và là quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới, nhưng việc lên kế hoạch chuẩn bị cho hưu trí vẫn chưa được chú trọng. Khi tuổi thọ ngày càng cao, thời gian nghỉ hưu của người lao động dài hơn, việc chuẩn bị tốt cho hưu trí để đảm bảo cuộc sống an nhàn trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, lương hưu nhà nước và lương hưu xã hội hiện vẫn đóng vai trò quan trọng.

Kế hoạch tài chính cho hưu trí

Báo cáo HSBC cho biết, những người chưa về hưu có kế hoạch chuẩn bị tài chính cho tương lai hưu trí của mình không giống nhau. Chính sách hỗ trợ từ nhà nước ở nhiều quốc gia đang thu hẹp dần có thể tác động không nhỏ đến kế hoạch hưu trí của nhiều người. Chỉ 30% những người trước tuổi nghỉ hưu cho rằng, họ có thể sống dựa vào tiền lương hưu nhà nước hay bảo hiểm xã hội; trong khi hiện có 45% người nghỉ hưu đang sống nhờ hai nguồn này.

Kết quả từ báo cáo “Tương lai Hưu trí cho thấy, sức mạnh của việc lên kế hoạch” trước đây cho thấy, niềm tin vào các chính sách hỗ trợ từ nhà nước đã không còn mạnh mẽ trong một thời gian dài. Vào năm 2011, 45% những người tham gia khảo sát cho rằng cuộc sống khi về hưu của họ sẽ rất khó khăn vì lương hưu đã không còn cao như trước.

Bên cạnh đó, những phương án phổ biến khác nhằm tạo thu nhập cho thời gian hưu trí bao gồm các khoản tiết kiệm (42%), tiếp tục làm việc khi đã đến tuổi nghỉ hưu (29%) và kế hoạch lương hưu cá nhân (23%). Bên cạnh những phương thức tiết kiệm truyền thống cho hưu trí như trên, thế hệ hiện nay cũng đang tìm nhiều nguồn cung tài chính khác cho giai đoạn hưu trí. Và theo nghiên cứu, những phương thức tiết kiệm ở các quốc gia cũng rất khác nhau.

Đồng thời, không ít người chưa về hưu đang cân nhắc sử dụng bất động sản như một kênh tạo thêm thu nhập. 12% những người trong độ tuổi lao động cho rằng, phương án bán bớt tài sản hoặc chuyển sang ngôi nhà nhỏ hơn sẽ giúp họ có thêm thu nhập cho giai đoạn hưu trí và điều này đặc biệt phổ biến tại Úc (26%) và Anh (22%). Trong khi đó, chỉ 6% những người đang trong độ tuổi nghỉ hưu khắp thế giới sử dụng phương án đổi sang nơi ở nhỏ hơn hoặc bán bớt tài sản.

Ngược lại, tại châu Á và Trung Đông, trợ giúp từ gia đình là phương thức phổ biến. Cụ thể, tại Ấn Độ (15%), Singapore (15%), Hồng Kông (14%) và Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (14%). Trên toàn thế giới, 9% những người đang tuổi lao động cho rằng, hỗ trợ tài chính từ con cái sẽ giúp họ trang trải khi về hưu.

Tại Việt Nam, phần lớn người cao tuổi không có tích lũy dành cho hưu trí, đa phần thu nhập trong giai đoạn hưu trí của họ dựa vào sự hỗ trợ của xã hội, gia đình hoặc tự làm việc để kiếm thêm thu nhập. Theo điều tra của Tổng Cục dân số và Kế hoạch hóa gia đình năm 2015, hơn 70% người cao tuổi phải tiếp tục kiếm sống bên cạnh nhận sự hỗ trợ từ gia đình; chỉ 30% người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

Người cao tuổi cũng có nhu cầu cao về chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế. Số liệu của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy, chi phí y tế cho người già cao gấp 7 - 10 lần người trẻ và họ sử dụng 50% tổng lượng thuốc. Điều này càng nhấn mạnh nhu cầu cần thiết của việc lên kế hoạch chuẩn cho một cuộc sống về hưu có chất lượng.

Ông Sabbir Ahmed, Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và Quản lý tài sản, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định: “Tuổi thọ trung bình tại Việt Nam ngày càng cao và thời gian hưu trí của người lao động vì thế kéo dài hơn. Để chuẩn bị sẵn sàng cho hưu trí và có một cuộc sống chủ động an nhàn khi về hưu, ngoài những cách thức tiết kiệm hưu trí truyền thống, bao gồm cả hỗ trợ từ nhà nước, người lao động nên bắt đầu tiết kiệm cho hưu trí sớm hơn những thế hệ trước và cân nhắc lựa chọn những phương thức tiết kiệm thay thế khác. Thậm chí những khoản tiết kiệm tuy nhỏ hôm nay cũng có thể mang đến cho mỗi chúng ta một cuộc sống thoải mái hơn trong tương lai”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục